Liệu ông lớn viễn thông này có gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ trong 3 thập kỷ tới?
AT&T (T) là một trong những công ty viễn thông lớn nhất ở Mỹ, nhưng nó chỉ có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 110 tỷ USD. Điều đó khiến cho công ty có quy mô nhỏ hơn nhiều so với những gã khổng lồ công nghệ đã gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ đô la trong vài năm qua.
Việc AT&T không thể đạt được mức định giá nghìn tỷ đô chủ yếu là do 3 nguyên nhân. Đầu tiên, đó là bởi một công ty tăng trưởng chậm trong một thị trường đã trưởng thành và nó thường chỉ đạt được mức tăng trưởng doanh thu và thu nhập ở mức một con số trong những năm tốt nhất của mình. Thứ hai, định giá của AT&T vẫn thấp vì hầu hết các nhà đầu tư sẽ không trả nhiều tiền cho một cổ phiếu viễn thông tăng trưởng chậm. Cuối cùng, AT&T đã cố ý thu hẹp hoạt động kinh doanh của mình trong hai năm qua bằng cách loại bỏ DirecTV và WarnerMedia – cũng như nhiều tài sản không cốt lõi khác của họ – để giải phóng thêm tiền mặt giúp nâng cấp mạng 5G và cáp quang, đồng thời giúp công ty giảm nợ.
Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà đầu tư có lẽ không tự hỏi liệu AT&T có trở thành cổ phiếu nghìn tỷ đô la trong tương lai gần hay không. Liệu AT&T có thể đạt chinh phục được cột mốc đó vào năm 2050 hay không? Hãy thử một phép tính giả định.
AT&T hiện giao dịch ở mức chỉ gấp 6 lần thu nhập kỳ hạn và 0,9 lần doanh thu của năm nay. Những mức định giá đó là mức rẻ trong lịch sử và chúng có thể tăng lên khi thị trường giá lên bắt đầu.
Nhưng giả sử định giá của AT&T vẫn đóng băng ở mức thấp này, hãng sẽ cần tăng doanh thu và thu nhập hơn 9 lần để đạt giá trị vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ đô la. Để đảm bảo điều đó xảy ra trong 27 năm tới, AT&T sẽ cần tăng doanh thu và thu nhập với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 8,5%. Con số này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn của AT&T. Từ năm 2022 đến năm 2025, các nhà phân tích kỳ vọng doanh thu của công ty sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 1%. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đã chuyển sang màu đỏ vào năm ngoái, nhưng chỉ số này dự kiến sẽ chuyển sang màu đen một lần nữa vào năm 2023 và tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4% cho đến năm 2025.
Giả sử tăng trưởng của AT&T ổn định và nhà đầu tư bắt đầu chi trả bội số dự phóng cao hơn là 12 lần và hệ số giá trên doanh thu dự phóng 2 lần cho cổ phiếu của công ty. Trong kịch bản sáng sủa hơn này, vốn hóa thị trường hiện tại của AT&T sẽ tăng gấp đôi lên 220 tỷ USD. Công ty chỉ cần tăng doanh thu hàng năm và EPS thêm 4,5 lần để đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Nhưng để đạt được mốc đó, công ty vẫn cần phải đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và EPS 5,8%.
Hiện tại, có vẻ như AT&T không thể đạt được tốc độ tăng trưởng và đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD trong 27 năm. Cổ phiếu chắc chắn có thể giúp nhà đầu tư tạo ra lợi nhuận gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần, đặc biệt nếu tái đầu tư các khoản cổ tức lớn được công ty chi trả. Tuy nhiên bất kỳ kỳ vọng lợi nhuận nào lớn hơn cũng là hơi quá sức.
Thay vì tự hỏi liệu AT&T có bao giờ trở thành công ty nghìn tỷ đô la hay không, nhà đầu tư nên tập trung vào khả năng mở rộng mạng 5G và mạng cáp quang, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh với Verizon Communications và T-Mobile US.
AT&T đã thu hút thuê bao điện thoại trả sau với tốc độ nhanh hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh lớn hơn là Verizon trong năm qua. Công ty cũng đã bù đắp cho tăng trưởng chậm chạp của phân khúc kinh doanh mạng hữu tuyến bằng việc mở rộng mạng cáp quang hướng tới người tiêu dùng. AT&T cũng đang mở rộng mạng 5G để bắt kịp với T-Mobile. Công ty cũng sử dụng phổ tần thấp hơn để phủ sóng các khu vực rộng lớn hơn trên khắp nước Mỹ so với phổ tần cao hơn của AT&T và Verizon.
AT&T đã tăng tốc những nỗ lực đó sau khi loại bỏ DirecTV và WarnerMedia, nhưng những chiến lược đó cũng tiêu tốn rất nhiều tiền mặt. Đáng chú ý là nó chỉ tạo ra 1 tỷ USD dòng tiền tự do (FCF) trong quý đầu tiên của năm 2023. Điều này cho thấy công ty có thể bỏ lỡ mục tiêu tạo ra 16 tỷ USD FCF cho cả năm khi tăng cường đầu tư vào 5G và sợi quang.
AT&T khẳng định những chi phí đó đã "đạt đỉnh" trong quý đầu tiên, nhưng nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ chỉ số FCF trong suốt thời gian còn lại của năm để xem liệu cổ tức của họ - vốn tiêu tốn 9,9 tỷ USD FCF vào năm 2022 - có nguy cơ bị cắt giảm hay không. Nếu công ty cắt giảm tỷ suất cổ tức kỳ hạn 7,2%, nhà đầu tư nên từ bỏ ngay cổ phiếu. AT&T cũng cần đạt được nhiều tiến bộ hơn trong nỗ lực giảm tỷ lệ nợ ròng/thu nhập trước lãi vay, thuế, và khấu hao (EBITDA) sau được điều chỉnh từ 3,2 lần trong quý đầu tiên của năm 2023 xuống mức mục tiêu là 2,5 lần vào đầu năm 2025.
Đối với tăng trưởng doanh thu của AT&T, phân khúc di động cốt lõi của họ cần tiếp tục thu hút các thuê bao điện thoại trả sau mới với tốc độ nhanh hơn so với Verizon. Việc mở rộng kinh doanh cáp quang cũng sẽ bù đắp cho mức tăng trưởng chậm hơn của bộ phận kinh doanh hữu tuyến.
Cổ phiếu này vẫn có thể là một cái tên blue chip trả cổ tức tuyệt vời.
Nếu AT&T có thể ổn định chi tiêu và tiếp tục mở rộng thì cổ phiếu vẫn có thể là một trò chơi thu nhập dài hạn tuyệt vời. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên kỳ vọng ông lớn viễn thông này trở thành cổ phiếu trị giá nghìn tỷ đô la trong vài thập kỷ tới.
Huân Hà - theo fool