Giá vàng giảm gần 25 USD trong phiên giao dịch ngày 29/8 sau phát biểu FED có khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong tháng tới. Trong khi đó, giá dầu đang giao dịch trái chiều trước khả năng OPEC cân bằng lại sản lượng.
Sau khi giảm gần 25 USD sau bài phát biểu được mong đợi của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole cuối tuần trước, các nhà phân tích dự báo giá vàng có nguy cơ giảm xuống mức 1.600 USD/ounce trong tuần này.
Kết thúc tuần trước, vàng đã giảm 0,8%, với giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.748 USD, giảm 1,32% trong ngày.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, Jerome Powell, cho biết tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole sẽ không có sự xoay trục nào từ Fed và lãi suất sẽ còn tăng trong thời gian dài hơn dự kiến.
Ông Powel cho biết, “Việc khôi phục sự ổn định giá có thể sẽ đòi hỏi phải duy trì lập trường chính sách tiền tệ hạn chế trong một thời gian”, ông Powell nói thêm, “Lịch sử đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc nới lỏng chính sách quá sớm”.
Ông Powell cũng không loại trừ một đợt tăng 75 điểm cơ bản khác tại cuộc họp tháng 9 sắp tới, đồng thời nhắc lại rằng phần lớn sẽ phụ thuộc vào dữ liệu vĩ mô được công bố trong ba tuần tới.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Peter Mooses của RJO Futures cho rằng, có sự suy yếu trong lĩnh vực kim loại quý do cách diễn đạt của ông Powell. “Vàng giảm giá sau khi ông Powell cho biết Fed sẽ tiếp tục làm những gì có thể. Có vẻ như họ sẽ làm những gì cần thiết để chống lại lạm phát.”
Người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu Bart Melek của TD Securities cho biết, ưu tiên của Powell trong cuộc họp tháng 9 chính là tiến hành các động thái tích cực để tránh những sai lầm trong quá khứ. Ông Melek cho biết, “Fed đang nhìn lại lịch sử và những gì đã xảy ra trong những năm 1970 và đầu những năm 1980. Có vẻ như họ muốn hạn chế sai lầm và giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Nhiều người nghĩ rằng Fed sẽ giảm nhẹ đà tăng lãi suất khi tốc độ lạm phát của nền kinh tế chậm lại một chút. Bây giờ có vẻ như điều đó sẽ không xảy ra”.
Tuy nhiên, chuyên gia Mooses cho rằng thông điệp của Powell ngày càng lặp đi lặp lại, điều này có thể hỗ trợ vàng. Ông nói: "Tôi lo ngại về tăng trưởng của Mỹ trong quý 4. Chỉ số này sẽ cho biết Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ như thế nào. Vàng có thể giảm giá trong một hoặc hai ngày. Nhưng nếu chứng khoán tăng mạnh, kim loại quý nhiều khả năng suy yếu. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi vẫn lạc quan về vàng".
Theo chuyên gia Melek, nhiều khả năng vàng sẽ xuống dưới 1.700 USD/ounce vào tuần này. Trong khi đó, nhà phân tích Mooses cũng đang theo dõi mức 1.690 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch ngày 29 tháng 8, giá dầu ngược chiều trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá. Chủ tịch FED nhận định, Mỹ có khả năng sẽ đối mặt với tăng trưởng chậm trong một thời gian ngắn.
Giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 2 xu lên 93,08 USD/thùng vào lúc 07h03 giờ Việt Nam, kéo dài đà tăng của phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, dầu thô Brent giao sau giảm 27 xu, tương đương 0,3% xuống 100,72 USD/thùng.
Trong bài phát biểu cuối tuần trước, chủ tịch Powell cho biết việc kiềm chế lạm phát "có khả năng trải qua một thời gian duy trì tăng trưởng chậm" và sẽ "khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn.” Nhiều thị trường chao đảo khiến đồng USD tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, giá dầu đã được thúc đẩy bởi ý kiến của các quan chức trong OPEC+ về mục tiêu cắt giảm sản lựơng để để cân bằng thị trường. Các nguồn tin tuần trước cho biết OPEC sẽ xem xét cắt giảm sản lượng để bù đắp sản lượng nếu như Iran có cơ hội xuất khẩu hàng hoá ra thị trường và khôi phục thoả thuận hạt nhân.
Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh khi quốc gia này xuất khẩu kỷ lục 5 triệu thùng dầu/ngày trong tuần gần đây nhất. Hiện các công ty dầu mỏ đã nhìn thấy nhu cầu tại châu Âu tăng lên do đang tìm cách thay thế dầu thô từ Nga. Ước tính các nhà máy lọc dầu của Mỹ có kế hoạch tiếp tục hoạt động gần hết công suất trong quý này khi lo lắng về suy thoái kinh tế giảm bớt và giá bán lẻ nhiên liệu hạ nhiệt. Sự gia tăng sản lượng nhiên liệu của Mỹ phần nào bù đắp nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang ưu tiên thị trường nội địa để kiềm chế lạm phát nhiên liệu trong nước.
Trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu đang khó khăn, Nhật Bản phát đi tín hiệu sẽ khởi động lại nhiều nhà máy hạt nhân và cân nhắc phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết đây là động thái tạo tiền đề cho một sự thay đổi chính sách lớn về năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima.
Còn tại Trung Quốc, chính phủ đã đặt mục tiêu tạo ra công suất sử dụng năng lượng tái tạo ở mức kỷ lục trong năm nay để tiến tới trung hòa cacbon nhưng hiện nay gặp phải khá nhiều thách thức. Hiện Bắc Kinh khó có thể xử lý được mức tiêu thụ than đang tăng lên.
Vương Linh