Giới quan sát gần như không có nghi ngờ gì về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tuần tới. Các dữ liệu gần đây đã củng cố quan điểm rằng ngân hàng này lẽ ra nên thực hiện việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7.
Tuy nhiên, kỳ vọng rất lớn về việc cắt giảm lãi suất vào tuần tới lại đi kèm với sự không chắc chắn lớn về điểm dừng cuối cùng của lãi suất, lộ trình thực hiện, tác động lên nền kinh tế và những ảnh hưởng quốc tế. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư trái phiếu không kịp trở tay nếu điều kiện thanh khoản không nới lỏng đáng kể.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ liên tục mạnh mẽ hơn so với nhiều dự đoán, song khả năng tiếp tục xảy ra “chủ nghĩa ngoại lệ về kinh tế” cần được cân nhắc trước những áp lực ngày càng tăng mà các hộ gia đình có thu nhập thấp phải chịu.
Nhiều hộ gia đình đã cạn kiệt khoản tiết kiệm từ thời kỳ đại dịch COVID-19 và nợ thêm, trong đó có việc sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng. Chưa có sự đồng thuận về việc liệu điểm yếu này sẽ tiếp tục chỉ tập trung vào nhóm có thu nhập thấp hay sẽ lan rộng.
Những gì từng là sự gắn bó lâu dài với “Đồng thuận Washington” - con đường dẫn đến thịnh vượng kinh tế bền vững của Mỹ qua việc giảm quy định, thận trọng tài khóa và tự do hóa - đã nhường chỗ cho việc mở rộng chính sách công nghiệp, sự mất cân đối tài khóa dai dẳng, và việc sử dụng thuế quan và trừng phạt thương mại như một công cụ.
Trên trường quốc tế, sự đồng thuận về hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực hàng hóa, công nghệ và tài chính đã phải nhường chỗ cho quá trình phân mảnh, mà giờ đây là một phần của quá trình tái cấu trúc dần dần nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà hoạch định chính sách của FED thường nhấn mạnh nhiệm vụ kép của họ: thúc đẩy ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm. Tuy vậy, các thị trường gần đây đã có những biến động mạnh, chuyển sang xem FED như một ngân hàng trung ương có nhiệm vụ đơn nhất, với trọng tâm hiện đã chuyển từ việc chống lạm phát sang giảm thiểu bất kỳ sự suy yếu nào thêm của thị trường lao động.
Cuối cùng, có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm và cách thức các quan chức cấp cao của FED sẽ chuyển từ sự phụ thuộc vào dữ liệu quá mức sang một quan điểm chính sách có tính định hướng hơn. Thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ đang báo hiệu rủi ro suy thoái cao, dự đoán FED sẽ hạ lãi suất 0,50 điểm phần trăm vào cuộc họp tuần tới hoặc ngay sau đó, và cắt giảm lãi suất tổng cộng 2 điểm phần trăm trong 12 tháng tới.
Triển vọng giá bitcoin và sự thống trị thị trường của đồng tiền điện tử này đã trở thành chủ đề chính trong một cuộc thảo luận gần đây giữa các chuyên gia. Cuộc trò chuyện tập trung vào khả năng bitcoin đạt mức đỉnh mới vào cuối năm nay và liệu có thể rơi xuống dưới 40.000 USD/BTC hay không.
Ông Gary Cardone - Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập của công ty quản lý tài chính Cardone Digital Ventures – đã chia sẻ quan điểm về sự phát triển của bitcoin và vị thế của đồng tiền này trong bối cảnh tài chính toàn cầu.
Ông Cardone nhận định: “Chúng ta đã thấy bitcoin rơi xuống mức thấp nhất ở khoảng 49.000 USD/BTC trong năm nay và đồng tiền điện tử này đã bật tăng mạnh kể từ đó, sau khi đã vượt xa mức đáy 16.000 USD/BTC vào mùa Hè năm ngoái".
Sự gia nhập của những nhà đầu tư lớn như Howard Lutnick - Chủ tịch kiêm CEO của công ty tài chính khổng lồ Cantor Fitzgerald - như một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thị trường. Ông Cardone cũng lưu ý rằng những tổ chức lớn như Fidelity có thể tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của bitcoin, đồng thời nói thêm: “Chúng ta cần những người tham gia thị trường với những sức mạnh khác biệt để thực sự thúc đẩy lĩnh vực tiền điện tử”.
Khi được hỏi liệu bitcoin có thể đạt giá trị 1 triệu USD/BTC trong 5 năm tới hay không, ông Cardone cho biết: “Để đạt được 4.000 tỷ USD, chúng ta phải vượt qua mức 3.000 tỷ USD trước đã. Ở mức giá 100.000 USD/BTC, vốn hóa thị trường của Bitcoin sẽ ở mức 2.100 tỷ USD. Đó không phải là con số lớn”.
Theo ông Cardone, giá bitcoin cần phải vượt qua mức cao nhất mọi thời đại trước đây để tăng tốc và đưa tỷ lệ thống trị thị trường lên mức 70%.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 8 tăng 0,6% so với cùng kỳ và 0,4% so với tháng 7, cả hai đều thấp hơn dự kiến. Trong 8 tháng kể từ đầu năm đến nay, CPI của Trung Quốc tăng trung bình 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,7% so với tháng trước. PPI trong 8 tháng đầu năm nay giảm trung bình 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Vương quốc Anh được dự báo giảm nhẹ từ mức 4,2% trong tháng 6 xuống 4,1% trong tháng 7. Tăng trưởng việc làm được kỳ vọng cải thiện, với thêm 115.000 việc làm được tạo ra trong tháng 7, cao hơn so với mức 97.000 việc làm trong tháng 6.
Các dữ liệu về tăng trưởng việc làm và tăng trưởng tiền lương có thể ảnh hưởng đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến cho rằng BoE sẽ đợi đến tháng 11 mới giảm lãi suất một lần nữa. Khả năng BoE hạ lãi suất vào ngày 19/9 hiện chỉ là 25%.
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy CPI trong tháng 8 tăng 0,2%, tương đương mức tăng của tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021, sau khi tăng 2,9% vào tháng 7.
CPI lõi, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, trong tháng 8 tăng 0,3%, sau khi tăng 0,2% vào tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 3,2%, tương đương với mức tăng của tháng 7.
Theo công cụ theo dõi dự báo lãi suất FEDWatch Tool của công ty dịch vụ tài chính CME, các thị trường tài chính nhận định có 85% khả năng FED sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp trong tuần tới và 15% khả năng hạ 50 điểm cơ bản.
Ngày 12/9, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%.
Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm kể từ năm 2019, định chế tài chính lớn nhất “lục địa già” quyết định cắt giảm lãi suất sau khi triển khai một chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt từ năm 2022 để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong vòng khoảng 40 năm.
Trước đó, đầu tháng 6, ECB đã cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống còn 3,75% và sau đó tạm dừng vào tháng 7 và tháng 8.
Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng vào đầu tháng 9 khi kỳ vọng lạm phát ngắn hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Theo số liệu sơ bộ từ Đại học Michigan, chỉ số tâm lý tiêu dùng Mỹ tăng lên 69 từ mức 67,9 của tháng 8, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế là 68,5.
Người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 2,7% trong năm 2025, thấp hơn so với mức 2.8% dự kiến đưa ra hồi tháng 8. Đây là tháng thứ tư kỳ vọng lạm phát ngắn hạn giảm. Người tiêu dùng dự báo lạm phát tăng 3,1% trên cơ sở hàng năm trong 5-10 năm tới, tăng từ mức 3% đưa ra hồi tháng 8.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.