logo
Banner2.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 24/05/2024

Tin Forex 24/05: AUD/USD giảm nhẹ khi thị trường có tâm lý e ngại rủi ro

AUD/USD giảm phiên thứ tư liên tiếp, lùi về quanh mức tâm lý 0,6600 do tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư và sự mạnh lên của USD.

  • Đồng đô la Úc tiếp tục giảm nhẹ sau các dữ liệu PMI cao hơn dự kiến của Mỹ.
  • Chứng khoán Úc chịu áp lực do giá hàng hóa giảm, trong bối cảnh thị trường lo ngại về lập trường diều hâu của FED.
  • Đồng đô la Mỹ mạnh lên, khi FED được dự báo sẽ duy trì lãi suất chính sách cao hơn trong thời gian dài hơn.

Tin Forex 24/05: AUD/USD giảm nhẹ khi thị trường có tâm lý e ngại rủi ro

Đồng đô la Úc (AUD) tiếp tục giảm nhẹ phiên thứ tư liên tiếp trong ngày thứ Sáu, có thể là bởi tâm lý e ngại rủi ro. Cặp AUD/USD đối mặt với áp lực khi đồng đô la Mỹ (USD) tăng giá do thị trường dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì lập trường chính sách diều hâu, giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Việc Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Úc trong vòng 12 tháng tới giảm từ mức 4,6% hồi tháng 4 xuống 4,1% trong tháng 5 – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 đã gây sức ép lớn lên đồng đô la Úc. Mức giảm này là chưa đủ để làm lắng dịu nguy cơ lạm phát duy trì trên mức mục tiêu trong thời gian dài. Biên bản cuộc họp mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận rằng việc đưa ra các quyết định về thay đổi lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn.  

Đồng đô la Mỹ (USD) đã nới rộng đà tăng sau khi Mỹ công bố dữ liệu Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cao hơn dự kiến trong ngày thứ Năm. Các dữ liệu mới làm dấy lên lo ngại rằng, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao. Thêm vào đó, Biên bản mới nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho thấy, giới chức FED đã bày tỏ lo ngại về sự chậm chạp trong việc kiềm chế lạm phát, vốn đã trở nên dai dẳng hơn dự kiến hồi đầu năm nay.

Các nhà đầu tư sẽ chú ý tới số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu. Dữ liệu này đo lường giá trị các đơn đặt hàng mà các nhà sản xuất nhận được đối với hàng hóa lâu bền có thể tồn tại trong ít nhất ba năm. Ngoài ra, Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quan điểm của người tiêu dùng Mỹ đối với tình hình tài chính và thu nhập.

Động lực thị trường hàng ngày: Đô la Úc tiếp tục giảm do tâm lý e ngại rủi ro

  • Chỉ số ASX 200 phục hồi trở lại, giao dịch quanh mức 7.740 điểm vào thứ Sáu. Tuy nhiên, chứng khoán Úc vẫn đang đối mặt với áp lực, trong bối cảnh giá hàng hóa thấp hơn sau dữ liệu PMI mạnh hơn dự kiến tại Mỹ, làm dấy lên lo ngại FED có thể duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
  • Theo S&P Global, Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ tăng từ 51,3 trong tháng 4 lên 54,4 trong tháng 5. Đây là mức cao nhất của chỉ số kể từ tháng 4/2022 và vượt kỳ vọng thị trường là 51,1. Chỉ số PMI dịch vụ tăng lên 54,8 – cho thấy mức tăng trưởng sản lượng lớn nhất trong vòng một năm qua, trong khi chỉ số PMI sản xuất tăng lên 50,9.
  • Theo công cụ FEDWatch của CME, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % trong tháng 9 đã giảm từ mức 49,4% của ngày hôm trước xuống còn 46,6%.
  • Dữ liệu sơ bộ công bố hôm thứ Năm cho thấy, hoạt động của khu vực tư nhân tại Úc trong tháng 5 vẫn mở rộng tháng thứ tư liên tiếp. Theo khảo sát sơ bộ của ngân hàng Judo Bank, Chỉ số PMI tổng hợp giảm từ mức 53,0 trong tháng 4 xuống 52,6 trong tháng 5, phản ánh sự điều chỉnh nhẹ trong tốc độ tăng trưởng.
  • Cũng theo Judo Bank, chỉ số PMI dịch vụ của Úc đạt mức 53,1 trong tháng 5, giảm so với mức 53,6 của tháng 4. Kết quả này đánh dấu tháng mở rộng thứ tư liên tiếp của ngành dịch vụ Úc, với tốc độ mở rộng chậm hơn nhưng vẫn khá vững vàng. Chỉ số PMI sản xuất không thay đổi, duy trì ở mức 49,6 trong tháng 5, cho thấy các điều kiện sản xuất tiếp tục suy yếu tháng thứ tư liên tiếp.
  • Theo Reuters, truyền thông Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết, Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu và tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng ở eo biển Đài Loan, cũng như xung quanh các nhóm đảo do Đài Loan kiểm soát. Bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào trong khu vực đều có thể tác động đến thị trường Úc, bởi Úc và Trung Quốc là đối tác thương mại gần gũi.

Phân tích kỹ thuật: Đô la úc dao động quanh mức tâm lý ở ngưỡng 0,6600

Đồng đô la Úc giao dịch quanh mức 0,6600 trong ngày thứ Sáu. Căn cứ vào biểu đồ hàng ngày, có thể thấy xu hướng tăng đang suy yếu, khi cặp AUD/USD đã đột phá qua đường giới hạn bên dưới của mô hình nêm tăng. Ngoài ra, Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày hiện đang ở mức 50. Một sự sụt giảm hơn nữa của chỉ báo động lượng này có thể xác nhận xu hướng giảm giá của cặp tiền.

Mức hỗ trợ chính ở ngưỡng 0,6550 là rất quan trọng. Một sự sụt giảm hơn nữa có thể làm tăng áp lực lên cặp AUD/USD, và có khả năng đẩy cặp tiền này lùi về khu vực hỗ trợ ở mức 0,6470.

Trong trường hợp tỷ giá tăng, Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 9 ngày ở mức 0,6630, gần đường giới hạn bên dưới của mô hình nêm tăng, có thể đóng vai trò là mức kháng cự tức thời. Một sự đột phá lên trên mức này có thể củng cố xu hướng tăng giá của AUD/USD, đẩy cặp tiền này tăng lên mức quan trọng ở ngưỡng 0,6650.

Biểu đồ hàng ngày AUD/USD

Tin Forex 24/05: AUD/USD giảm nhẹ khi thị trường có tâm lý e ngại rủi ro

Giá Đô la Úc ngày hôm nay

Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi của Đô la Úc (AUD) so với các loại tiền tệ chủ chốt khác ngày hôm nay. Đồng Đô la Úc ghi nhận mức giảm mạnh nhất so với Đô la New Zealand.

Tin Forex 24/05: AUD/USD giảm nhẹ khi thị trường có tâm lý e ngại rủi ro

Thanh Hiệp-Theo fxstreet

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Trading-Platform-VN-370_700@3x.jpg