Càng gần tới thời điểm phê duyệt quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay, càng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sản phẩm này xuất hiện.
Những người tham gia thị trường hiện đang chia rẽ về khả năng quỹ ETF Bitcoin giao ngay được phê duyệt. Đa số cho rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) sẽ chấp thuận quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Điều này sẽ thúc đẩy giá Bitcoin tăng vọt. Một số ý kiến khác cho rằng SEC sẽ từ chối sản phẩm này do những lo ngại từ lâu của cơ quan quản lý về nguy cơ túng thị trường. Quyết định này có thể khiến bản chất của Bitcoin hoàn toàn thay đổi.
Lý do quỹ ETF Bitcoin giao ngay nên được phê duyệt
Thị trường đồn rằng SEC sẽ phê duyệt một hoặc một vài quỹ ETF Bitcoin giao ngay vào ngày 10 tháng 1. Quyết định này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng cho Bitcoin, bởi nó đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông và các nhà đầu tư. Đồng tiền số lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường này vốn đã thu hút sự chú ý không nhỏ từ phố Wall. Và một quỹ ETF Bitcoin giao ngay không chỉ có tiềm năng thúc đẩy giá Bitcoin lên các mức cao hơn mà còn là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của tài sản này.
Nói cách khác, một quyết định phê duyệt quỹ ETF Bitcoin giao ngay sẽ giúp hợp pháp hóa Bitcoin. Từ trước khi ông Gary Gensler lên nhậm chức chủ tịch SEC, chính phủ Mỹ đã luôn giữ quan điểm “nói không” với quỹ ETF Bitcoin giao ngay, do lo ngại về vấn đề thao túng thị trường và gian lận.
Việc các ông lớn tài chính như Fidelity, VanEck và BlackRock nỗ lực tung ra quỹ ETF Bitcoin giao ngay được coi là một sự công nhận lớn với Bitcoin. Và nếu ETF giao ngay được phê duyệt, sự tham gia của các nhà đầu tư thực sự sẽ còn lớn hơn nữa. Giám đốc điều hành Larry Fink của BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến công ty nỗ lực theo đuổi quỹ ETF Bitcoin giao ngay là do nhu cầu từ chính các khách hàng của công ty với sản phẩm này.
Mặc dù nhiều loại ETF dựa trên tiền điện tử đã hiện diện trên trên thị trường, nhưng quỹ ETF Bitcoin giao ngay từ lâu vẫn được các nhà đầu tư mong đợi. Sự ra đời của sản phẩm này sẽ cho phép các tổ chức dễ dàng tiếp cận tiền điện tử hơn, đồng thời cho phép các nhà đầu tư cá nhân gián tiếp thêm Bitcoin vào tài khoản hưu trí Roth và 401(k) của họ. Điều này sẽ tạo ra một lớp nhà đầu tư Bitcoin mới, bao gồm cả các cố vấn tài chính, những người trong nhiều năm qua đã tìm kiếm các giải pháp đầu tư tiền điện tử sẵn có.
Quan trọng hơn là, sự xuất hiện của quỹ ETF Bitcoin giao ngay sẽ kéo theo sự xuất hiện của các sản phẩm tài chính “ăn theo”, chẳng hạn như “mô hình danh mục đầu tư” mà BlackRock tạo ra cho khách hàng, từ các nhà đầu tư nghiệp dư cho đến các nhà đầu tư siêu giàu. Độ biến động của Bitcoin trong lịch sử khiến nó trở thành một tài sản dễ dàng thay thế cho các sản phẩm đầu tư sẵn có dành cho mọi nhà đầu tư với mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau (mặc dù một số người suy đoán Bitcoin sẽ ít biến động hơn khi dòng vốn đổ vào nhiều hơn).
Nếu quỹ ETF Bitcoin được chấp thuận, bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng có thể thêm Bitcoin vào bất kỳ số lượng sản phẩm tài chính nào. Điều này có nghĩa là hàng triệu người có thể tiếp xúc với Bitcoin trong tương lai. Nó có thể mang lại lợi ích về mặt chính trị cho ngành công nghiệp tiền điện tử, vì nó có thể khiến các nhà lập pháp phải cân nhắc kỹ càng hơn nếu muốn đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cử tri của họ.
Vì sao SEC nên từ chối quỹ ETF Bitcoin giao ngay?
Rõ ràng, việc quỹ ETF Bitcoin giao ngay được phê duyệt sẽ là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của tiền điện tử. Và đó chính là điều mà các chính trị gia đối lập như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và các nhà quản lý như Chủ tịch SEC Gary Gensler lo lắng. Điều này được phản ánh rõ trong lá thư mà tổ chức phi lợi nhuận Better Markets gửi tới SEC gần đây, trong đó kêu gọi SEC không phê duyệt quỹ Bitcoin ETF giao ngay do lo ngại quyết định này sẽ hợp pháp hóa một ngành công nghiệp đầy rẫy gian lận.
Liệu tiền điện tử đã sẵn sàng cho điều đó hay chưa?
Mặc dù một phán quyết của tòa án vào năm ngoái buộc SEC phải đưa ra quyết định về ETF Bitcoin trước ngày 10 tháng 1, nhưng việc SEC liên tục từ chối quỹ ETF Bitcoin trong lịch sử vẫn đáng để xem xét. Về cơ bản, SEC đã trì hoãn việc phê duyệt quỹ ETF Bitcoin giao ngay kể từ khi anh em nhà Winklevoss lần đầu tiên hồ sơ xin ra mắt sản phẩm này cách đây một thập kỷ. Lý do mà SEC đưa ra là do những lo ngại về vấn đề thao túng thị trường.
Thao túng là mối lo ngại thường trực đối với các quỹ ETF theo dõi các chỉ số (hoặc các rổ gồm các tài sản khác nhau). Nguyên nhân là do sản phẩm này có thể có sự khác biệt giữa giá tài sản chuẩn và giá do các nhà quản lý ETF cung cấp hàng ngày - dữ liệu có thể bị lợi dụng bởi những người có thông tin nội bộ về các chỉ số. Tuy nhiên, một vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra dựa trên cách giá Bitcoin được hình thành.
Vì Bitcoin là đồng tiền số phi tập trung nên nó không có một mức giá duy nhất. Giá Bitcoin tính bằng đồng đô la Mỹ thường được xác định bằng cách lấy mức giá trung bình của nó tại cùng một thời điểm trên một vài sàn giao dịch đáng tin cậy. Tuy nhiên, ngay cả trên những sàn giao dịch lớn, việc các nhà đầu tư cố tình hoặc vô tình đẩy giá tiền điện tử lên xuống bằng những giao dịch lớn để kiếm lời từ chênh lệch giá là điều không hiếm gặp.
Loại thao túng thị trường này hiện không phải là mối lo ngại lớn đối với phần lớn các nhà giao dịch tiền điện tử, và có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư ETF bitcoin giao ngay tiềm năng. Nhưng nó có thể trở thành vấn đề lớn hơn khi những “The Quants” (các nhà giao dịch định lượng) tham gia thị trường. BlackRock là công ty đầu tiên đề xuất “thỏa thuận chia sẻ giám sát” với các sàn giao dịch tiền điện tử để xoa dịu lo ngại của SEC, nhưng không phải ai cũng tin vào hiệu quả của giải pháp này.
Bên cạnh lo ngại về quyền riêng tư do việc giám sát thị trường tăng cao, còn có một câu hỏi rộng lớn hơn là: ai sẽ thực sự được hưởng lợi từ quỹ ETF Bitcoin giao ngay? Các quỹ hoán đổi danh mục thường làm tăng chi phí của tài sản cơ bản mà chúng dựa vào. Điều này dường như là một lợi ích kép đối với người nắm giữ Bitcoin, cho đến khi bạn xem xét nó ảnh hưởng đến các mặt hàng như vàng và dầu, vốn là cả tài sản đầu tư và là hàng hóa có chi phí sử dụng.
Nói cách khác, việc 1 Bitcoin có mức giá lên tới 1 triệu USD sẽ tác động thế nào đến khả năng ứng dụng của Bitcoin trong dài hạn? Phí giao dịch khi đó sẽ như thế nào? Mặc dù Bitcoin có thể chia nhỏ thành satoshi, nhưng liệu cuối cùng, giá Bitcoin tăng cao có khiến nhiều người, đặc biệt là những người ở các nước đang phát triển – vốn là nơi mà Bitcoin hướng đến – bị loại khỏi thị trường hay không?
Một vấn đề cốt lõi nữa là: Bitcoin, với bản chất phi tập trung và phi chính phủ, đang vô tình tạo ra mâu thuẫn tiềm ẩn giữa những người giàu có và những người vô sản. Việc quỹ ETF Bitcoin giao ngay được chấp thuận liệu có đi ngược lại với lý tưởng ban đầu của Bitcoin, đó là tạo ra một hệ thống tài chính phi tập trung, đứng ngoài vòng kiểm soát của các hệ thống tài chính truyền thống hay không?
Một quỹ ETF Bitcoin giao ngay là gì? Đó là một sản phẩm đại diện cho Bitcoin, cho phép đồng tiền số này xuất hiện trong quỹ hưu trí 401(k) của hàng triệu người. ETF Bitcoin giao ngay được quản lý bởi các nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, sử dụng Bitcoin được lưu trữ bởi một công ty bên ngoài (Coinbase hiện là nhà lưu ký hàng đầu cho các quỹ ETF Bitcoin giao ngay ở Mỹ). Nói cách khác, nó không phải là “cổng chào” để mở rộng khả năng Bitcoin được chấp thuận mà là sự bóp méo ý tưởng rằng, thông qua việc tự nắm giữ tài sản, chúng ta có thể kiểm soát tiền bạc của chính mình.
Chắc chắn có những vấn đề phức tạp hơn ở đây, nhất là khi xem xét tới việc các giao thức mở theo định nghĩa có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai. Theo nghĩa đó, sự tham gia của BlackRock không khiến Bitcoin bớt phi tập trung. Nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải về ảnh hưởng ngày càng tăng của phố Wall đối với Bitcoin. Liệu dòng tiền đổ vào có thay đổi thực tế của quá trình phát triển hay đào Bitcoin hay không.
Mọi thứ đều có mặt lợi và mặt hại. Và chúng ta vẫn chưa rõ cái giá phải trả cho việc biến Bitcoin trở thành một tài sản “chính thống” sẽ là gì.
Đỗ Hiền-Theo coindesk