logo
investo.vn-Banner-8.gif
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 23/04/2020

5 Sai Lầm Nên Tránh Trong Thị Trường Chứng Khoán Con Gấu

Tuy rằng thời điểm này, danh mục đầu tư chứng khoán của bạn dễ dàng trồi sụt trong chớp mắt, nhưng chưa bao giờ là quá trễ để sửa soạn bộ “kit” sinh tồn trong thị trường con gấu. Khi thị trường chứng khoán lao dốc, để sống sót, bạn phải dũng cảm đối mặt với khó khăn hơn là chạy trốn khỏi rắc rối.

5 Sai Lầm Nên Tránh Trong Thị Trường Chứng Khoán Con Gấu 5 Sai Lầm Nên Tránh Trong Thị Trường Chứng Khoán Con Gấu

Theo chuẩn đánh giá về thị trường gấu, đợt bán tháo cổ phiếu gần đây diễn ra quá nhanh. Chỉ mất 16 ngày để chỉ số Standard & Poor’s 500 bốc hơi 20%. Chưa bao giờ thị trường chuyển từ trạng thái con bò tót sang trạng thái con gấu nhanh đến như vậy. Nhưng quy mô sụt giảm, chí ít là đến thời điểm này, vẫn thấp hơn mức trung bình. Tại thời điểm thị trường gấu chạm đáy hôm 23/3, chỉ số thị trường chung này giảm 34%, thấp hơn so với mức giảm 40% trong những đợt thị trường gấu xảy ra kể từ năm 1929 theo thống kê của S&P Dow Jones Indices.

Tuy thế, thị trường con gấu lần này, cũng giống như những lần trước, khiến cho giới đầu tư đứng ngồi không yên. Làm sao vui được khi chứng kiến danh mục đầu tư của mình bốc hơn một phần ba chỉ trong vòng ba tuần? Tin tốt là bạn có thể sống sót nếu bạn tuân thủ những bí kíp sinh tồn cơ bản mà Phố Wall đưa ra theo kiểu “bổn cũ soạn lại” mỗi khi thị trường con gấu lăm le đe dọa tiền của bạn.

Sau đây là năm sai lầm cần tránh để sống sót trong thị trường con gấu.

Đừng cố gắng xác định đáy Thị Trường Chứng Khoán

Đâu là đáy? Câu cửa miệng đó khá phổ biến trên Phố Wall như mẫu quảng cáo “Thịt bò đâu rồi? (Where’s the beef?) của Wendy trong cuộc chiến của những chiếc bánh mỳ kẹp thịt ở những năm 1980.

Chỉ có một vấn đề duy nhất đó là gần như không thể định được đáy thị trường. Đây là nhận định của Jerry Braakman, giám đốc đầu tư của First American Trust.

Theo Baraakman, một trong những sai lầm lớn nhất mà nhà đầu tư phạm phải đó là họ nghĩ rằng họ có thể bắt đáy.

Ông chỉ ra rằng thị trường con gấu không phải là sự kiện diễn ra chóng vánh. (Chúng thường kéo dài 21 tháng theo ghi nhận của S&P Dow Jones Indices.)

Mức độ biến động vô cùng cao trong thị trường chứng khoán con gấu.

Trong một khoảng thời gian ngắn trong tháng Ba, chỉ số S&P 500 đã chứng kiến mức biến động hơn 5%, trong khi đó mức trồi sụt trung bình của năm ngoái chưa tới 1%.

Không có gì lạ khi xuất hiện những đợt hồi phục mạnh trong thị trường gấu trước khi thị trường chạm đáy. Theo thống kê của Braakman, thị trường đã chứng kiến nhiều lần hồi phục 20% trong đợt thị trường gấu do bong bóng dot-com năm 2000 và trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kịch bản đó có thể đang tái diễn khi S&P tăng đến 27% hôm 14/4.

Để hình thành đáy thì cần phải mất vài tháng, Braakman nói. Không có gì lạ khi S&P 500 bật tăng trước khi quay trở lại kiểm thử các đáy cũ. Thường như vậy có nghĩa là các mức đáy thấp hơn sẽ được xác lập.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, dù nền kinh tế Hoa Kỳ đang đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và chính phủ đang giải cứu người lao động và các doanh nghiệp, việc bắt đáy, theo Braakman, sẽ cực kỳ khó khăn.

Vị giám đốc đầu tư này chia sẻ rằng “Bất kỳ ai vỗ ngực tự tin nói cách hóa giải tất cả những điều này thực chất chỉ là ‘tên lang băm’ mà thôi. Giữa bối cảnh thị trường rung lắc mạnh như hiện tại, sai lầm nếu mắc phải có thể gây ra hệ lụy lớn hơn rất nhiều. Bạn nên kiên định với chiến lược phân bổ tài sản dài hạn của mình.

Đừng bán cổ phiếu và gom tiền mặt

Trong thị trường con gấu, giữ tiền là phương án an toàn còn đầu tư vào cổ phiếu ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhưng điều đó không có nghĩa tiền mặt là giải pháp cho mọi vấn đề tài chính mà bạn đang gặp phải – nhất là khi bạn đang theo đuổi kế hoạch tiết kiệm cho những ngày hưu trí an nhàn trong vài thập kỷ nữa.

“Một sai lầm lớn khác nữa mà nhà đầu tư phạm phải trong thị trường con gấu là chuyển sang giữ tiền mặt,” Braakman nói. Chắc chắn là tiền giúp giảm thiểu mức thua lỗ trên giấy (paper loss) khi giá cổ phiếu rơi tự do.

Nhưng các bạn nên nhớ rằng thị trường chứng khoán không đi xuống mãi mãi.

Giống như dân gian có câu “không vào hang cọp sao bắt được cọp con” (Chúng ta không đánh đồng đầu tư với đánh bạc, nhưng đúng là nếu bạn không đem tiền đi đầu tư thì làm sao bạn có thể được chia phần khi thị trường hồi phục.)

Bạn không bao giờ biết ....thị trường có thể phục hồi rất nhanh.” Đây là lời cảnh báo của Braakman.

Vấn đề là hầu hết những ai thoát ra khỏi thị trường đều sẽ không quay lại đúng thời điểm, ông nói thêm.

Theo kinh nghiệm của vị chuyên gia này, ở những lần thị trường con gấu trước đây, phải mất vài năm để những nhà đầu tư đã gom tiền mặt quay trở lại thị trường. Vì thế họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kiếm lời khi thị trường hồi phục sau khi bán tống bán tháo lúc thị trường đi xuống. Bài học cần nhớ là luôn giữ vững lập trường theo đuổi kế hoạch dài hạn đã vạch ra.

Không lấp đầy danh mục đầu tư của bạn với những thứ rủi ro

Công thức chung dẫn đến thảm họa đầu tư đó là luôn kiếm tìm khoản lời lớn nhất và chỉ đầu tư vào những tài sản rủi ro nhất.

Mọi người thường mải đuổi theo lợi nhuận mà quên mất những bài học về quản trị rủi ro. Đây là lời chia sẻ của Kelly Lavigne đến từ Allianz Life. Ông khuyên nhà đầu tư phải bảo vệ danh mục đầu tư của mình.

LaVigne nói rằng: “Nếu có gì đó thị trường con gấu dạy chúng ta thì đó là: một danh mục đầu tư hợp lý để phục vụ kế hoạch hưu trí , đặc biệt là đối với những ai sắp sửa nghỉ hưu trong 10 năm tới, cần phải có sự cân đối giữa tích lũy và bảo toàn để đảm bảo rằng số tiền bạn dày công gây dựng sẽ không biến mất trong lần tới, khi xuất hiện sự kiện thiên nga đen.”

Đừng nghĩ rằng danh mục đầu tư của bạn chỉ vừa phải thôi khi nó không như vậy

Điều đó có thể rất tốn kém, David Reyes, cố vấn tài chính tại Reyes Financial Architecture nói.

Reyes chia sẻ: “danh mục đầu tư của một nhà đầu tư bình thường là quá táo bạo đối với nhu cầu và đối với khả năng chấp nhận rủi ro về mặt tâm lý của họ trước thị trường con gấu. Kết cục là nhiều người mất nhiều tiền hơn mức độ họ có thể gánh đỡ, thậm chí nhiều người trong số đó có danh mục đầu tư cân bằng gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu.

Một sai lầm khác là không giảm thiểu rủi ro khi bạn đã lớn tuổi và sắp nghỉ hưu. Jeff Soltow, một nhà hoạch định tài chính tại Frontier Wealth Management đã cảnh báo như vậy.

Soltow cho biết “(Nhiều) nhà đầu tư cuối cùng sẽ phải chịu quá nhiều rủi ro khi đã lớn tuổi và sẽ chịu thua lỗ tới mức họ sẽ không bao giờ gỡ lại được. [...] Đó lý do buộc họ phải tiếp tục làm việc và cuối cùng không có tiền để dành.”

Đừng cố gắng định thời điểm diễn ra các sự kiện trên thị trường

Thật khó để “mua đỉnh” và “bán đáy”. Không thể nào xác định đúng, chính xác thời điểm chúng xảy ra, vậy nên bạn đừng tốn công vô ích. Đây là lời chia sẻ của giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, ông Chris Zaccarelli.

Theo Zaccarelli, điều tồi tệ nhất mà nhà đầu tư có thể làm trong thị trường con gấu là cố gắng xác định thời điểm diễn ra các sự kiện trên thị trường. Điều đó khó hơn họ hình dung.

Nếu bạn thực sự là nhà đầu tư dài hạn, hãy tiếp tục như vậy và đón nhận quả ngọt từ thị trường chứng khoán như cách nó vẫn làm đối với những nhà đầu tư biết kiên nhẫn, Zaccarelli nói.

Ông còn nhấn mạnh thêm rằng nhà đầu tư nên tiếp tục đầu tư thay vì đánh cược rằng họ thông minh hơn tất cả những nhà đầu tư khác trên thế giới nhờ biệt tài có thể xác định được thời gian chính xác cả khi bán lẫn khi mua lại.

Không ai có thể đoán trước được khi nào cổ phiếu sẽ không còn giảm và tăng trở lại.

Lịch sử diễn biến tăng trở lại sau lần thị trường gấu chạm đáy năm 2009 là minh chứng rõ ràng cho điều này.

Zaccarelli dẫn chứng thêm rằng “Nếu con người…thành thật với chính mình, họ sẽ nhớ lại rằng ngày 9/3/2009 cảm giác khủng khiếp như ngày 9/2/09, 9/1/09, 9/12/2008,” và rằng “từ lần thị trường xuống đáy năm 2009, họ không biết rằng, đến 31/3/09, thị trường sẽ tăng 18%, đến 30/6/2009, thị trường sẽ tăng 36% và đến 31/12/2009, thị trường sẽ tăng đến 65%.

Thêm một lời khuyên nữa từ LaVigne: Hãy kiên nhẫn. Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ cho lần tấn công tiếp theo của thị trường con gấu.

Vị Phó chủ tịch của Allianz Life chia sẻ thêm rằng “Phần lớn những lời khuyên về hoạch định tài chính mà bạn sẽ thấy khi thị trường con gấu bắt đầu thường xoay quanh âu chuyện giữ kiên nhẫn. Và lời khuyên đó có cơ sở chính đáng, bởi lẽ đối với những ai đã chịu tổn thất đáng kể với danh mục đầu tư của mình, thời gian sẽ là đồng minh lớn nhất của họ. Hãy làm mọi thứ có thể để tránh số tiền tiết kiệm của bạn bị hao hụt trong lần tiếp theo và những lần sau nữa. Cách tốt nhất để làm điều đó là áp dụng một số biện pháp để bảo vệ danh mục đầu tư của bạn nhằm đảm bảo rằng ít nhất là bạn có tài sản cần thiết để trang trải chi phí cố định khi nghỉ hưu.”

Thu Trang - Theo usatoday

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến