Nguồn hình ảnh: Getty Images
Thương vụ thâu tóm Aēsop của gã khổng lồ mỹ phẩm là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của công ty.
Khi nói đến tăng trưởng, các công ty thời trang thường chọn phương thức mua lại. Các công ty thường mở rộng bằng cách mua lại các thương hiệu cao cấp vốn đã nổi tiếng và xây dựng một danh mục sản phẩm đa dạng. Trong đó có thể bao gồm đồ uống có cồn và các nhãn hiệu chăm sóc da cũng như quần áo.
Trong lịch sử gần đây, chất xúc tác đóng vai trò lớn giúp tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ đến từ các hoạt động gia tăng của mạng xã hội. Những nhà sáng tạo nội dung và những người có ảnh hưởng đã góp phần vào quá trình dân chủ hóa ngày một rộng rãi của hàng xa xỉ. Giờ đây người ta chẳng còn thấy xa lạ khi chứng kiến những bức ảnh của những người không phải người nổi tiếng trên Instagram hoặc Snapchat khoe quần áo đắt tiền hoặc có các chuyến du lịch xa xỉ.
Đây là một lý do khiến các cổ phiếu như Ulta Beauty, LVMH Moet Hennessy và L'Oreal SA (LRLCY) có hiệu suất tốt. Cả ba mã này đều tăng trưởng hơn 100% trong năm năm qua. Bên cạnh đó L'Oreal vừa thực hiện một thương vụ mua lại trị giá 2,5 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của hãng. Chúng ta hãy cùng đọc bài viết dưới đây để xem động thái này có ý nghĩa ra sao đối với công ty và các nhà đầu tư.
Không giống như các công ty công nghệ, các nhà điều hành thương hiệu cao cấp không phải lúc nào cũng tập trung nhiều vào việc phát triển các sản phẩm mới, sáng tạo. Thay vào đó, các công ty này có xu hướng mua lại các thương hiệu khác khi họ muốn đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ của mình.
Trong vài năm qua, đây là động thái quen thuộc của một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang xa xỉ. Ví dụ: LVMH đã mua Tiffany's với giá khoảng 16 tỷ USD vào năm 2021. Vào tháng 11 năm 2022, Estée Lauder đã mua lại thương hiệu Tom Ford trong một thỏa thuận có giá 2,8 tỷ USD.
Lý do đằng sau những giao dịch này nằm ở chỗ các công ty mua lại sẽ nhận được nhiều hơn chỉ một thương hiệu hoặc bộ sản phẩm mới đơn thuần. Hiểu theo một khía cạnh nào đó, các công ty này bỏ tiền để mua lại “lịch sử” của các công ty bị thâu tóm. Các thương hiệu nổi tiếng có xu hướng sở hữu những khách hàng vô cùng (Apple là một ví dụ điển hình).
L'Oreal gần đây cũng tìm được cách triển khai chiến lược thông dụng này khi tiếp cận Natura & Co để mua lại đơn vị làm đẹp và chăm sóc sức khỏe Aēsop. Theo thông cáo báo chí của L'Oreal, Aēsop có trụ sở tại Úc đã tạo ra doanh thu 537 triệu USD vào năm 2022. Từ đó mang lại cho đơn vị này mức định giá gấp 4,7 lần doanh thu dựa trên giá thỏa thuận.
Rất hiếm khi một công ty sẵn sàng bỏ ra mức chi kỷ lục để mua lại một công ty khác. Sau khi thỏa thuận nói trên được công bố, Yahoo Finance đã phỏng vấn Pauline Brown, cựu giám đốc của LVMH Bắc Mỹ để có thêm thông tin quanh thương vụ. Brown khẳng định L'Oreal đã trả giá cao cho Aēsop, nhưng dù sao đây vẫn được coi là một thỏa thuận tốt.
Ngoài ra một số nguồn tin cũng xác nhận các đối thủ bao gồm LVMH và tập đoàn chăm sóc da Nhật Bản Shiseido cũng cạnh tranh với L'Oreal để có được chữ ký từ Aēsop. Chính vì thế việc L'Oreal mở rộng hầu bao để gạt bỏ các đối thủ khỏi bàn thương lượng hoàn toàn có khả năng xảy ra. Hơn nữa, Axios báo cáo một số công ty cổ phần tư nhân, bao gồm cả KKR, cũng quan tâm đến đơn vị chăm sóc sắc đẹp này.
Trong khi các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da nằm giữa ranh giới giữa hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng tiêu dùng không thiết yếu, doanh số bán mỹ phẩm có xu hướng phục hồi trong thời kỳ suy thoái. Như Brown đã chỉ ra:
“Các sản phẩm làm đẹp đã phát triển vượt xa tất cả các loại hàng tiêu dùng theo như những gì tôi có thể ghi nhớ. [Phân khúc] sản phẩm làm đẹp cao cấp thậm chí còn phát triển vượt trội so với tổng thị trường làm đẹp. Và tôi sẽ xếp [Aēsop] vào phân khúc cao cấp... Rõ ràng trong thời kỳ đại dịch, phần lớn các công ty đã chuyển sang môi trường trực tuyến. Nếu xét trên tổng doanh số bán hàng, Aēsop đã thâm nhập khoảng 30% vào thị trường trực tuyến. Quan trọng hơn, sức tăng trưởng của nhãn hiệu này vượt xa tốc độ tăng trưởng của toàn bộ lĩnh vực làm đẹp. Thậm chí còn có tiềm năng vượt xa hầu hết các thương hiệu L'Oreal nếu xét về mức độ phổ biến, hiệu suất doanh thu và cả lợi nhuận của Aēsop.”
Tâm lý này sẽ kích thích các nhà đầu tư. Và nếu điều đó vẫn chưa đủ, một yếu tố quan trọng cần lưu ý là Aēsop chủ yếu hoạt động ở Châu Mỹ, Châu Âu và Úc. Công ty cũng vừa thâm nhập thị trường Trung Quốc năm ngoái.
Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co. đã công bố một báo cáo vào tháng 11 về thị trường thời trang cao cấp. McKinsey nhận thấy "lĩnh vực hàng xa xỉ dự kiến sẽ tăng trưởng từ 5% đến 10% vào năm 2023, nhờ động lực mạnh mẽ ở Trung Quốc (dự kiến tăng trưởng từ 9% đến 14%) và ở Hoa Kỳ (dự kiến tăng trưởng từ 5% đến 10%)."
Mặc dù mỹ phẩm là một phần của thời trang, nhưng có thể chắc chắn rằng các thị trường như Trung Quốc sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp cao cấp trong nhiều năm tới. Vì vậy, trong khi Aēsop bắt đầu gây dựng dấu ấn ở Trung Quốc, thương hiệu này có thể tận dụng các hoạt động và mặt tiền cửa hàng của L'Oreal ở đó để thâm nhập vào một thị trường mới. Từ các phân tích trên, bây giờ có thể là một cơ hội thực sự thú vị để mua cổ phiếu L'Oreal.
Hoàng Dương – Theo Fool