Giá vàng tăng khi trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức cao nhất từ tháng 12/2018. Trong khi đó, trên thị trường dầu, giá dầu kéo dài đà tăng do ảnh hưởng từ xung đột chính trị.
Giá vàng tăng trong sáng ngày thứ Hai (18/4) theo giờ châu Á và chạm mức tốt nhất kể từ giữa tháng 3, khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine khiến các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Trong sáng ngày đầu tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.984,20 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,8%, giao dịch ở 1.990,20 USD.
Mức tăng ngày thứ Hai (18/4) nối dài đà tăng trong hai tuần liên tiếp của vàng. Hầu hết các thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Sáu (15/4). Tuy nhiên, đà tăng cũng bị hạn chế bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức cao nhất từ tháng 12/2018.
Các chuyên gia phân tích thị trường dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái mạnh trong tháng 3, do COVID-19 bùng phát mạnh dẫn tới việc nhiều thành phố bị phong tỏa, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các nhà máy cũng như việc chi tiêu của người tiêu dùng.
Còn tại Mỹ, các nhà đầu tư cũng lo ngại cuộc chiến chống lạm phát của FED sẽ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự đột phá trong quý 1 đã không thể giữ vàng ở trên mức tâm lý 2.000 USD/ounce. Điều đó đã đẩy giá trở lại vùng hỗ trợ chính xung quanh mức cao nhất mọi thời đại trước đó vào năm 2011, tính từ khu vực 1.900 USD.
Hiện vàng có hỗ trợ tại mức trước đó là kháng cự, và đối với những người đầu cơ giá lên thì điều này có thể được sử dụng để chứng minh cho đà tăng tiếp tục. Câu hỏi lúc này là liệu các nhà giao dịch có cảm thấy thoải mái với việc giá vàng di chuyển lên trên và giữ mức 2.000 USD hay không. Tại thời điểm này, có rất ít bằng chứng về điều đó. Từ trước đến nay, chỉ có một lần kim loại quý này đóng cửa tuần ở trên mức 2.000 USD/ounce.
Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu tiếp tục tăng khi xung đột tại Ukraine leo thang, hoạt động khai thác dầu tại Libya tạm dừng. Giá dầu Brent tương lai tăng 1,5 USD, tương đương 1,3% lên 113,20 USD. Giá dầu WTI tăng 98 xu Mỹ, tương đương 0,9% lên 107,93 USD.
Tuần trước, chính phủ các nước EU cho biết khối này đang soạn thảo các đề xuất cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng các nhà ngoại giao cho biết Đức không tích cực ủng hộ lệnh cấm vận ngay lập tức.
Giữa tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng từ tháng 5 trở đi, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày do các lệnh trừng phạt hoặc người mua tự nguyện tránh xa hàng hóa của Nga.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã từ chối việc gia tăng sản lượng, bất chấp áp lực của các nước phương Tây. Một báo cáo của OPEC vào tuần trước cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 3 chỉ tăng 57.000 thùng/ngày lên 28,56 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức tăng 253.000 thùng/ngày mà OPEC được phép gia tăng theo thỏa thuận của OPEC+.
Tuy nhiên, dự báo sản lượng dầu của Mỹ đang được điều chỉnh tăng lên bất chấp những hạn chế về vấn đề người lao động và chuỗi cung ứng. Theo các chuyên gia trong ngành, việc giá dầu tăng cao đã thúc đẩy các nhà sản xuất đẩy mạnh hoạt động khai thác và sản xuất.
Thêm vào đó, các cuộc biểu tình tại Libya đã khiến hoạt động động khai thác dầu tại El Feel bị gián đoạn cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung dầu toàn cầu.
Vương Linh