Trong phiên 15/4, giá vàng đi lên, khi căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu mua vào các tài sản an toàn. Giá dầu giảm nhẹ sau khi có thông tin cuộc tấn công của Iran và Israel chỉ gây thiệt hại hạn chế.
Chốt phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 2.365,09 USD/ounce, sau khi vọt lên mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce trong phiên 12/4, do dự đoán về hành động quân sự liên quan tới Israel của Iran. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 2.383 USD/ounce.
Chiến lược gia Bart Melek tại ngân hàng TD Securities nhận định, căng thẳng địa chính trị là nhân tố chính thúc đẩy giá vàng.
Nhà phân tích trưởng Tim Waterer của công ty môi giới tài chính KCM Trade cho biết, vàng vẫn được coi như một tài sản tài quan trọng, do sự kết hợp giữa rủi ro địa chính trị và triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng lãi suất trong nửa cuối năm nay. Nói cách khác, vàng đang được coi là ‘tài sản cho mọi kịch bản” nhờ khả năng phục hồi dưới các động lực thị trường khác nhau vào năm 2024.
Kim loại quý tăng giá bất chấp việc đồng USD tăng 0,2% và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong 5 tháng, sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3/2024 tăng cao hơn dự kiến. Số liệu khả quan này làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Hiện nay, thị trường dự đoán Fed sẽ có chưa đến hai lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, ít hơn so với dự báo giảm lãi suất ba lần trước đó.
Chiến lược gia Daniel Pavilonis tại công ty thương mại RJO Futures dự đoán, trong thời gian tới, giá kim loại quý này có thể giảm xuống còn 2.200 USD/ounce khi yếu tố địa chính trị giảm bớt sức ảnh hưởng.
Chốt phiên 15/4, giá dầu Brent giao tháng Sáu giảm 35 xu (0,4%) xuống 90,10 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm giảm 25 xu (0,3%) xuống 85,41 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên 12/4, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, do những dự đoán về hành động của Iran.
Giá dầu giảm khi thị trường giảm bớt những đặt cược rủi ro sau hành động quân sự liên quan đến Israel vào cuối tuần qua của Iran chỉ gây ra thiệt hại hạn chế.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING, cho biết thị trường phần lớn đã tính tới một hành động quân sự trong những ngày trước đó. Ngoài ra, thiệt hại hạn chế và thực tế là không có thiệt hại về người có thể khiến phía Israel đưa ra phản ứng thận trọng hơn. Tuy nhiên, ông Patterson lưu ý vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn và tất cả phụ thuộc vào cách Israel sẽ phản ứng ra sao.
Trong khi đó, theo ông Bob Yawger, người phụ trách thị trường năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho, số liệu doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến của Mỹ cũng cản trở đà tăng của giá dầu khi làm tăng triển vọng lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và làm giảm nhu cầu về dầu.
Với tư cách là nhà sản xuất chính trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Iran sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Sản lượng dầu ngày càng tăng của Mỹ cũng gây sức ép lên giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng từ các khu vực sản xuất dầu đá phiến sẽ tăng hơn 16.000 thùng/ngày lên 9,86 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong 5 tháng.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Citi Research cho biết trường hợp căng thẳng kéo dài suốt quý II/2024 sẽ khiến giá dầu phần lớn ở mức 85-90 USD/thùng. Vì thị trường nói chung đã cân bằng cung và cầu trong suốt quý I, nên bất kỳ sự giảm leo thang nào cũng có thể khiến giá giảm khá mạnh xuống mức 70-80 USD/thùng.
Yến Anh