Hai trong số các công ty dầu mỏ lớn nhất của châu Âu, Shell và TotalEnergies, đều đang cân nhắc việc từ bỏ sàn giao dịch chứng khoán hiện tại để đổi sang thị trường chứng khoán Mỹ. Động thái này có thể trực tiếp giáng một đòn mạnh cho cả thị trường chứng khoán London (Anh) và Paris (Pháp).
Được biết, Shell (SHEL) là công ty lớn thứ hai trong chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London - chiếm 8,4% tổng vốn hóa thị trường, trong khi TotalEnergies (TTE) của Pháp là công ty lớn thứ tư trong chỉ số CAC 40 - chiếm 6,0% giá trị chỉ số.
Bất chấp các vị thế quan trọng tại quê nhà, cả hai công ty này gần đây đều bày tỏ sự thất vọng khi giá trị cổ phiếu của họ thấp khi so với những công ty dầu mỏ lớn của Mỹ. Đây là lý do chính khiến họ cùng có ý tưởng chuyển dời việc niêm yết cổ phiếu sang bên kia bờ đại dương.
Cổ phiếu của TotalEnergies và Shell giao dịch với tỷ lệ Giá/Dòng tiền lần lượt là 4,7 và 5,2, so với tỷ lệ 8,4 của Exxon Mobil (XOM) và 7,6 của Chevron (CVX). Tỷ lệ càng nhỏ, mức độ cổ phiếu bị định giá thấp càng lớn.
Alastair Syme, Giám đốc quản lý của bộ phận nghiên cứu cổ phiếu năng lượng toàn cầu tại Citigroup, cho biết Shell và TotalEnergies giao dịch ở mức giá chiết khấu trong một thời gian dài. Nhưng rồi độ chênh lệch đã đạt đến ngưỡng cao nhất vào khoảng 2 năm trước, phản ánh rõ ràng sự phân hóa giữa các cổ phiếu ở châu Âu và Mỹ.
"Các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán ở Mỹ được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư lớn hơn", ông nói với CNN. Theo Syme, các nhà đầu tư “sẽ trở nên phóng khoáng hơn” khi đầu tư vào những công ty năng lượng châu Âu nếu công ty đó là một phần của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.
Cách đây không lâu, Giám đốc điều hành Patrick Pouyanne của TotalEnergies đã trả lời rằng công ty của ông đã “nghiêm túc” xem xét chuyển niêm yết sang sàn New York, và sẽ thảo luận về “phương hướng thực tế trong tương lai” với hội đồng quản trị vào tháng 9.
“Đã có một cuộc thảo luận với hội đồng về vấn đề niêm yết tại Mỹ. Rõ ràng là trong lĩnh vực năng lượng, dầu mỏ và khí đốt, khi các cổ đông Mỹ đang thực hiện mua cổ phiếu thì các cổ đông ở châu Âu lại đang dậm chân tại chỗ.” - Ông chia sẻ thêm.
Trong lúc đó, Giám đốc điều hành Wael Sawan trả lời với Bloomberg rằng công ty của ông đang “bị định giá thấp” so với Chevron và Exxon Mobil. Nếu sau một nỗ lực đa hướng để nâng cao giá trị cổ phiếu của mình mà “chúng tôi vẫn không thấy rằng khoảng chênh lệch đó đang được thu hẹp, thì chúng tôi buộc phải xem xét tới tất cả các lựa chọn,” ông cho biết.
Trong cuộc gọi với các chuyên gia phân tích hồi đầu tháng 5, ông Sawan cho biết việc chuyển sang thị trường chứng khoán Mỹ “không phải là một cuộc thảo luận công khai vào thời điểm này.” Shell dường như đang tập trung cho chương trình mua lại cổ phiếu của họ để tăng cường giá trị cổ phiếu. Công ty này đã thông báo về một chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 3,5 tỷ USD sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng tới.
Có nhiều ẩn ý rằng việc Shell cân nhắc rời khỏi London sẽ làm rúng động sàn giao dịch chứng khoán của Anh vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Một số công ty có xu hướng rời bỏ Sàn Chứng khoán London để sang các sàn khác, hoặc chọn New York để trở thành công ty đại chúng trong những năm gần đây. Điều đó bao gồm cả Arm (ARM) – công ty sản xuất chip của Anh. Công ty đã có được sự kiện chào bán công chúng lần đầu lớn nhất trong năm 2023, khi niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ hồi tháng 9.
Theo Chris Beaucham, trưởng phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch IG, việc rời bỏ của Shell và TotalEnergies sẽ “gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện” cho thị trường chứng khoán tại Anh, đặc biệt là sàn chứng khoán London."
“Sự rời đi của Shell sẽ giáng một đòn mạnh vào chỉ số (FTSE 100). Việc mất đi những công ty như vậy sẽ chỉ củng cố quan điểm rằng về cơ bản là chỉ cần một thị trường chứng khoán cho cả thế giới, là Mỹ, và mọi thứ khác chỉ là thứ phát,” ông nói với CNN.
Nếu như Shell rời đi, BP – công ty lớn thứ 6 trong chỉ số FTSE 100 – có thể tiếp bước ngay sau đó. “Nếu Shell có được sự tăng trưởng lớn trong giá trị (sau khi tái niêm yết tại New York), BP hoàn toàn có thể sẽ cân nhắc tới chuyện đó,” ông Syme tại Citigroup nhận định.
BP báo cáo kết quả lợi nhuận quý đầu tiên là 2,7 tỷ USD, thấp hơn so với dự kiến, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, một phần bởi giá xăng dầu sụt giảm.
Giám đốc điều hành Murray Auchincloss của BP cho biết hiệu quả kinh doanh mới là điều mà công ty hiện đang tập trung vào, hơn cả việc cân nhắc rời khỏi sàn chứng khoán London.
“Nó không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Chúng tôi chỉ tập trung vào số lượng hàng bán mỗi quý,” ông nói với Reuters.
Cách đây không lâu, ý tưởng rằng TotalEnergies sẽ tái niêm yết tại sàn chứng khoán New York “là điều không tưởng,” Lindsey Stewart, giám đốc nghiên cứu quản lý đầu tư tại Morningstar nói với CNN.
Các cuộc thảo luận hiện tại phản ánh mức độ trong việc các cổ đông châu Âu “tăng áp lực lên những công ty năng lượng tích hợp (ở châu Âu) để gia tăng các cam kết về khí hậu cùng nhiều vấn đề khác (môi trường, xã hội và quản trị) theo cách mà nó sẽ không xảy ra ở Mỹ,” ông cho biết.
Tháng trước, cựu Giám đốc điều hành của Shell, ông Ben van Beurden đã nói công ty bị “định giá quá thấp” nhưng không hề từ bỏ hy vọng duy trì ở thị trường London.
Ông nói trong cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàng hóa của Financial Times ở Thụy Sĩ rằng: “Chúng tôi phải tiếp tục minh chứng rằng những gì mà chúng tôi phải mang đến cũng là vì tương lai sau này, với tư cách là công ty dầu khí lớn của châu Âu. Quá trình chuyển dịch năng lượng thực sự là một cơ hội có giá trị lớn lao và không phải là một kiểu chi phí xanh nào đó mà chúng tôi phải trả chỉ bởi vì chúng tôi đang đứng ở châu Âu.” Ông Syme ở Citigroup cho biết khả năng mà Shell và TotalEnergies sẽ rời bỏ thị trường quê nhà là khá thấp.
“Có một vài lợi thế trong việc có mối liên kết tới một quốc gia,” ông nói, và lưu ý rằng một số công ty sản xuất năng lượng toàn cầu sẽ thích có nhiều kiểu mẫu cờ khác nhau – thay vì chỉ toàn "Sao với Sọc" – bay trên các khu công nghiệp của họ.
Hải Hà-Theo edition.cnn