logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 25/05/2024

Nhìn lại Tuần 21: Những dấu mốc quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh AI Seoul

  • Trung Quốc khởi động lễ hội mua sắm 618
  • Tập đoàn Saudia Group sẽ mua 105 máy bay Airbus
  • Boeing thừa nhận sẽ phải “đốt tiền” trong cả năm 2024
  • Doanh số bán xe mới ở EU tăng cao nhất kể từ tháng 10/2023
  • Tesla phản đối thuế quan của Mỹ đối với xe điện Trung Quốc
  • Sự kiện khởi nghiệp VivaTech thu hút hơn 10.000 công ty trên toàn cầu​
  • Sony kỳ vọng tăng lợi nhuận nhờ phát triển mảng hoạt hình
  • "Ông lớn" viễn thông Telstra cắt giảm 9% lực lượng lao động
  • Hàn Quốc kỳ vọng xuất khẩu mì ăn liền vượt 1 tỷ USD trong năm 2024
  • Khách sạn ở Tokyo rẻ hơn so với New York và Singapore

Ngày 21/5, Hội nghị thượng đỉnh AI Seoul đã thông qua “Tuyên bố Seoul” về việc thúc đẩy AI an toàn, đổi mới và toàn diện.

Nhìn lại Tuần 21: Những dấu mốc quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh AI Seoul

Tuyên bố Seoul cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ nỗ lực thành lập hoặc mở rộng những viện an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) và sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu an toàn và chia sẻ các phương pháp hay nhất bằng cách phát triển mạng lưới giữa những tổ chức này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Thông tin Hàn Quốc Lee Jong-ho cho biết, nước này có kế hoạch thành lập một viện nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu các vấn đề an toàn liên quan đến công nghệ AI, như deepfake và deepvoice. Ông Lee nhấn mạnh, các chính phủ cần đưa ra thông điệp sẽ phản ứng và trừng phạt nghiêm khắc với các hành vi vi phạm quy định liên quan đến AI, chẳng hạn như deepfake.

Cùng ngày, các bộ trưởng liên quan đến công nghệ từ 28 quốc gia và đại diện từ những tổ chức quốc tế cũng đã thông qua một tuyên bố chung mang tên “Tuyên bố của Bộ trưởng Seoul”, kêu gọi thúc đẩy sự an toàn, đổi mới và tính toàn diện của công nghệ AI.

Ngoài ra, 14 công ty Hàn Quốc, bao gồm Samsung, Naver, Kakao và KT, cũng như các “ông lớn” công nghệ lớn toàn cầu như Google, Microsoft, OpenAI và IBM đã công bố Cam kết kinh doanh AI của Seoul, cam kết sẽ có trách nhiệm phát triển và sử dụng AI an toàn.

Tâm điểm thị trường: Hai điểm sáng trong lĩnh vực chứng khoán và mua bán, sáp nhập châu Á

Ngân hàng toàn cầu của JPMorgan đánh giá, Ấn Độ và Nhật Bản là hai điểm sáng trong các thị trường chứng khoán và mua bán, sáp nhập (M&A) đang rất được quan tâm của châu Á.

Theo số liệu của LSEG, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản cũng như chỉ số Nifty 50 của chứng khoán Ấn Độ đã tăng gần 26% trong năm qua.

Nhìn lại Tuần 21: Những dấu mốc quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh AI Seoul

Trong khi các hoạt động M&A trên toàn cầu giảm trong năm 2023, giá trị các thỏa thuận của Nhật Bản tăng 23% so với năm 2022, lên khoảng 123 tỷ USD, theo báo cáo của Bain & Company. Báo cáo đánh giá kinh tế Nhật Bản có những điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của hoạt động M&A mà không nước nào có được.

Theo các nhà phân tích của Bain & Company, các nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng đi lên của thị trường Ấn Độ, với triển vọng cải thiện trong năm 2024.

Theo báo cáo của công ty kiểm toán Deloitte, trong năm 2023, giá trị các thỏa thuận M&A tại Ấn Độ đạt 136 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2022, theo xu hướng chung trên toàn cầu. Việc các nhà đầu tư tiếp tục duy trì lòng tin vào thị trường Ấn Độ có thể mở đường cho sự phục hồi giá trị các thỏa thuận tại nước này.

Các nước như Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc+1", khi các nhà đầu tư tìm đến các quốc gia khác trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Việc các công ty muốn mở rộng sản xuất tại Ấn Độ sẽ thúc đẩy hoạt động M&A ở nước này. Hoạt động M&A có thể tập trung vào AI, khi lĩnh vực này có thể đóng góp thêm hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. 

Theo công ty kiểm toán PwC, AI có thể đóng góp tới 15.700 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2030.

Một số tin tức thị trường quan trọng trong tuần

Báo cáo lợi nhuận của nhà sản xuất chip Nvidia công bố ngày 22/5 sẽ là phép thử mới nhất về đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ, sau khi các chỉ số chinh phục các kỷ lục trong năm nay. Với việc giá cổ phiếu tăng 90% kể từ đầu năm đã đưa Nvidia lên vị trí thứ 3 về giá trị vốn hóa thị trường trong số các công ty Mỹ, sau Microsoft và Apple.

Tầm ảnh hưởng của Nvidia trên các thị trường đang gia tăng. Do chip của hãng là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực AI, báo cáo lợi nhuận được xem là cơ sở để đánh giá về lĩnh vực AI, khi sự phát triển của lĩnh vực này đã khích lệ các nhà đầu tư và tạo đà cho thị trường chứng khoán Mỹ đi lên.

Trong khi đó, sức ảnh hưởng gia tăng của Nvidia đối với các chỉ số và các quỹ hoán đổi danh mục đã khiến biến động giá cổ phiếu của hãng có tác động quá lớn đến các thị trường. Nvidia hiện chiếm trên 5% chỉ số S&P 500, 6,5% trong Nasdaq 100 và 20% trong VanEck Semiconductor ETF.

Nhìn lại Tuần 21: Những dấu mốc quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh AI Seoul

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách gần nhất, cung cấp thêm thông tin về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách. Ngày 7/5, RBA đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 12 năm, đồng thời nâng dự báo lạm phát ngắn hạn, giảm nhẹ ước tính về tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp.

Báo cáo của Westpac dự kiến sẽ cho thấy Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Australia trong tháng 5 đạt mức tăng theo tháng là 0,9%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 2,4% trong tháng 4. Việc nền kinh tế ghi nhận một số tín hiệu phục hồi đã góp phần thúc đẩy tâm lý của người tiêu dùng Australia, dù lạm phát và lãi suất vẫn đang ở mức cao.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), chi phí năng lượng và thực phẩm giảm đã kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng tại nước này từ mức 3,2% trong tháng 3 xuống còn 2,3% trong 4. Lạm phát giá dịch vụ hàng năm trong tháng 4 là 5,9%, hầu như không giảm so với mức 6% của tháng 3. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát giá dịch vụ 5,5% mà các nhà kinh tế và BOE dự đoán trong đợt dự báo mới nhất.

Lạm phát cốt lõi, sau khi loại bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động, cũng giảm ít hơn dự đoán, ở mức 3,9%, thấp hơn mức 4,2% của tháng trước nhưng cao hơn mức dự báo 3,6% trước đó của các nhà kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát giảm là tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ mạnh để BOE cân nhắc tiến hành cắt giảm lãi suất, vốn đang ở mức cao nhất trong 16 năm.

Nhìn lại Tuần 21: Những dấu mốc quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh AI Seoul

Hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm vào tháng 5, cho thấy tăng trưởng kinh tế đang phục hồi. Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ, theo dõi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng vọt lên 54,4 trong tháng này. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 và cao hơn mức 51,3 của tháng 4. Chỉ số này trên 50 cho thấy sự mở rộng trong khu vực tư nhân.

Trong cuộc khảo sát của Reuters, các chuyên gia dự báo chỉ số này sẽ không thay đổi và ổn định ở mức 51,1. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ, với chỉ số PMI trong lĩnh vực này tăng từ 51,3 trong tháng 4 lên 54,8. PMI trong lĩnh vực sản xuất tăng nhẹ từ 50 lên 50,9.

Tuy nhiên, giá một loạt các nguyên liệu đầu vào đang tăng vọt, cho thấy lạm phát hàng hóa có thể tăng lên trong những tháng tới. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này đang cần thêm niềm tin rằng lạm phát đã quay trở lại xu hướng giảm trước khi bắt đầu hạ lãi suất.

Tốc độ lạm phát của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng 4/2024 do giá khí đốt giảm, làm dấy lên câu hỏi về thời điểm Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất một lần nữa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 2,2% vào tháng 4/2024, so với mức 2,6% trong tháng 3. Con số này phù hợp với dự báo của thị trường và diễn ra ngay cả khi đồng yen yếu khiến giá hàng nhập khẩu tăng.

Chuyên gia Taro Kimura từ Bloomberg Economics cho biết số liệu trên có thể phản ánh động thái kiềm chế tăng giá của các công ty để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trì trệ. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoJ và dữ liệu mới nhất khó có thể ngăn cản ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến