logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 10/06/2024

Tin Forex 10/06: USD/JPY tăng lên quanh mức 157,10

Các dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ đã hỗ trợ đồng bạc xanh, đẩy tỷ giá USD/JPY gia tăng.

  • Đồng Yên Nhật suy yếu khi đồng đô la Mỹ mạnh lên nhờ các dữ liệu việc làm vững vàng.
  • Các dữ liệu trái chiều của Nhật Bản có thể hạn chế đà giảm của JPY.
  • Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 1,01% trước thềm cuộc họp của BOJ vào thứ Sáu.

Tin Forex 10/06: USD/JPY tăng lên quanh mức 157,10

Trong phiên ngày thứ Hai đầu tuần, đồng Yên Nhật (JPY) có phiên giảm nhẹ thứ hai liên tiếp. Cặp USD/JPY nhận được sự hỗ trợ khi đồng Đô la Mỹ (USD) lấy lại sức mạnh nhờ các dữ liệu việc làm tốt hơn mong đợi vừa được công bố tại Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước.

Nhật Bản đã công bố các dữ liệu kinh tế trái chiều vào thứ Hai, được cho là có thể hạn chế đà giảm của đồng yên Nhật. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Nhật Bản suy giảm ít hơn dự kiến trong quý đầu năm. Trong khi đó, GDP trong quý I giảm so với quý trước đó, phù hợp với kết quả khảo sát sơ bộ.

Chỉ số đồng Đô la Mỹ (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh (USD) so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, tiếp tục tăng nhờ sự đi lên của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Một báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ dự kiến sẽ hỗ trợ lập trường diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo công cụ FEDWatch của CME Group, khả năng FED cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm % trong tháng 9 đã giảm từ mức 54,8% hồi tuần trước xuống còn gần 48,0%.

Động lực thị trường hàng ngày: Yên Nhật suy giảm sau dữ liệu việc làm vững vàng của Mỹ

  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý I giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã giảm 2,0% trong quý IV/2023. Con số này tệ hơn so với dự báo của thị trường về mức giảm 1,9%. So với quý trước đó, GDP của Nhật Bản trong quý I giảm 0,5% - phù hợp với kết quả khảo sát sơ bộ.
  • Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên trên mức 1,01% trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào thứ Sáu. BOJ dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại, trong khi các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ động thái nào của BOJ liên quan đến việc giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng.
  • Trong một báo cáo mới, Rabobank dự báo rằng, FED có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12, nhiều khả năng là do nền kinh tế đang chậm lại, hơn là bởi những tiến triển trong việc kiềm chế lạm phát. Lý do là bởi các chuyên gia tin rằng, nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn đình lạm, với lạm phát cao dai dẳng và nền kinh tế giảm tốc, có thể kết thúc bằng một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.
  • Theo Bảng lương Phi nông nghiệp (NFP) được Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố hôm thứ Sáu, nền kinh tế Mỹ trong tháng 5 đã tạo thêm 272.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với mức 165.000 việc làm trong tháng 4. Lạm phát tiền lương, được đo bằng mức thu nhập trung bình mỗi giờ, đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 3,9%. Mức tăng lạm phát tiền lương trong tháng 4 cũng được điều chỉnh nâng từ 3,9% lên 4,0%.
  • Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Sáu tuyên bố rằng, ông sẽ có hành động chống lại sự biến động quá mức của tiền tệ khi cần thiết, và sẽ đánh giá tính hiệu quả của biện pháp can thiệp. Ông Suzuki cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì niềm tin thị trường vào tài chính công, đồng thời đề cập rằng, không có giới hạn ngân sách cho việc can thiệp vào thị trường ngoại hối.
  • Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 5 đã giảm đáng kể từ mức 1.279 tỷ USD xuống còn 1.231 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2023 khi chính phủ Nhật Bản tiến hành các hoạt động can thiệp ngoại hối để bảo vệ đồng JPY.
  • Theo Reuters, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hôm thứ Năm tuần trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, kỳ vọng lạm phát đang dần tăng lên, nhưng vẫn chưa đạt mức 2%. Theo ông Ueda, “BOJ vẫn đang xem xét kỹ lưỡng diễn biến thị trường kể từ sau đợt tăng lãi suất hồi tháng 3. Khi chúng tôi dần chấm dứt gói kích thích tiền tệ khổng lồ của mình, việc giảm mua trái phiếu sẽ là động thái phù hợp.”

Phân tích kỹ thuật: USD/JPY dao động quanh mức 157,00

USD/JPY giao dịch quanh mức 157,10 vào thứ Hai. Việc cặp tiền củng cố trong mô hình kênh giá tăng trên biểu đồ hàng ngày cho thấy xu hướng tăng vẫn đang được duy trì. Ngoài ra, Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày được duy trì ở trên ngưỡng 50, cho thấy xu hướng đi lên của cặp tỷ giá.

Mức kháng cự quan trọng được ghi nhận tại ngưỡng tâm lý 158,00. Một sự đột phá hoàn toàn lên trên mức này có thể thúc đẩy cặp tỷ giá hướng tới khu vực xung quanh đường giới hạn phía trên của kênh giá tăng, ở gần mức 158,60. Mức kháng cự tiếp theo sẽ nằm tại ngưỡng 160,32 – mức cao nhất trong hơn ba mươi năm qua.

Chiều giảm xuất hiện mức hỗ trợ quan trọng tại đường giới hạn bên dưới của kênh giá tăng, xung quanh ngưỡng 154,90, gần với đường Trung bình động hàm mũ (EMA) 50 ngày ở mức 154,86. Một sự đột phá xuống dưới mức này có thể gia tăng áp lực lên cặp AUD/USD, và có thể đẩy cặp tỷ giá lùi về khu vực hỗ trợ quanh mức 152,80.

Biểu đồ hàng ngày USD/JPY

Tin Forex 10/06: USD/JPY tăng lên quanh mức 157,10

Giá JPY ngày hôm nay

Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ % thay đổi của Yên Nhật (JPY) so với các loại tiền tệ chủ chốt khác hôm nay. Đồng Yên Nhật ghi nhận mức giảm mạnh nhất so với đồng Đô la Úc.

Tin Forex 10/06: USD/JPY tăng lên quanh mức 157,10

Thanh Hiệp-Theo fxstreet

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg