Trong phiên 26/6, giá vàng giảm gần 1% xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần do đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu. Giá dầu nhích nhẹ khi các nhà đầu tư lo ngại xung đột tại Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô.
Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.301,16 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 10/6. Giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ cũng giảm gần 1% xuống 2.313,2 USD/ounce.
Chiến lược gia về hàng hóa Bart Melek tại ngân hàng đầu tư TD Securities nhận định, thị trường vàng có thể đang phản ứng với sự mạnh lên của đồng USD. Theo ông Melek, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khó có thể thay đổi lãi suất vào đầu mùa Hè.
Trong phiên, đồng USD tăng 0,4% lên mức cao nhất trong gần 2 tháng so với các đồng tiền khác. Điều này khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt mức cao trong gần 2 tuần.
Các nhà đầu tư đang chờ đón dữ liệu về tiêu dùng cá nhân dự kiến được công bố hôm 28/6. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Giới đầu tư kỳ vọng một chỉ số “mềm” hơn sẽ thúc đẩy thể chế này sớm cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, thị trường còn hướng sự chú ý vào số liệu tăng trưởng kinh tế của Mỹ và cuộc tranh luận quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump diễn ra ngày 27/6 (theo giờ địa phương).
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm trong tháng 6 giữa những lo ngại về triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn lạc quan về thị trường lao động và dự kiến lạm phát sẽ ở mức vừa phải trong năm tới.
Ngày 25/6, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho rằng việc giữ lãi suất chính sách ổn định trong một thời gian có thể đủ để kiểm soát lạm phát, song nhấn mạnh Fed sẵn sàng tăng chi phí đi vay nếu cần. Đồng quan điểm này, Thống đốc Lisa Cook nói thêm rằng bà nhận thấy lạm phát đang tăng chậm lại trong năm nay và sẽ tăng chậm hơn nữa trong năm tới, đồng thời chi phí đi vay có thể giảm "vào một thời điểm nào đó".
Trong phiên 26/6, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 24 xu (0,3%) lên 85,25 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7 xu lên 80,90 USD/thùng.
Căng thẳng Trung Đông đã leo thang trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột có thể dẫn đến sự can dự của các nước khác trong khu vực, trong đó có thể có cả nhà sản xuất dầu mỏ lớn Iran.
Chuyên gia Andrew Lipow của công ty tư vấn Lipow Oil Associates có trụ sở tại Houston (Mỹ) nhận định yếu tố rủi ro địa chính trị đã quay trở lại chi phối thị trường dầu mỏ. Trước đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ đã hỗ trợ giá dầu.
Đầu phiên này, giá dầu đi xuống sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng 3,6 triệu thùng vào tuần trước, trái với dự đoán giảm của các nhà phân tích trước đó.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS lưu ý, dự trữ dầu của Mỹ đang tăng trong khi dự trữ ở những nơi khác giảm. Theo ông Staunovo, thị trường đang có dấu hiệu thắt chặt, song điều này chưa diễn ra tại Mỹ. UBS dự kiến giá dầu sẽ tăng trong những tuần tới.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch dầu mỏ đang lo ngại về mức tiêu thụ xăng yếu tại Mỹ trong mùa lái xe cao điểm vào mùa Hè. Việc sử dụng xăng của Mỹ chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu trên thế giới và nhu cầu xăng ở nước này tuần trước đã giảm 3,6% so với một năm trước xuống còn khoảng 8,9 triệu thùng mỗi ngày.
Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan viết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Các chỉ số quan trọng của thị trường dầu cho thấy rằng, sự phục hồi của giá năng lượng đang phản ánh một thị trường vật chất cơ bản mạnh mẽ hơn”.
Yến Anh