Trong phiên 28/5, giá vàng tăng trong bối cảnh đồng USD yếu hơn. Giá dầu cũng đi lên do dự báo Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp ngày 2/6.
Khoảng 0 giờ 55 phút sáng ngày 29/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.357,44 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,9% lên 2.356,5 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,1% xuống mức thấp nhất hơn một tuần và đường cong lợi suất cũng giảm do các nhà đầu tư hướng sự chú ý tới dữ liệu lạm phát của Mỹ dự kiến công bố vào cuối tuần này để có thêm thông tin rõ ràng về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Vàng phục hồi sau giai đoạn điều chỉnh và dao động quanh mức kháng cự, hiện kim loại quý này đang bật tăng trở lại.
Theo ông Bart Melek, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, sự không rõ ràng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể khiến vàng không tăng vọt và các động thái sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu trong thời gian tới.
Tâm điểm của tuần này là Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của FED, dự kiến công bố ngày 31/5.
Biên bản cuộc họp của FED công bố tuần trước cho thấy phản ứng chính sách hiện tại sẽ là duy trì lãi suất chuẩn ở mức hiện tại. Các nhà giao dịch đang dự báo khoảng 63% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lời.
Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng cao trong 2 năm qua trong bối cảnh các ngân hàng cố gắng đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng Thế giới, các quỹ ETF về vàng toàn cầu đã chứng kiến dòng vàng ròng chảy ra khoảng 11,3 tấn trong tuần qua.
Chốt phiên 28/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2024 tăng 1,12 USD (1,4%) lên 84,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) ở mức 79,83 USD/thùng, tăng 2,11 USD (2,7%) so với mức đóng cửa của phiên 24/5, do phiên giao dịch ngày 27/5 thị trường Mỹ nghỉ lễ.
Các nhà giao dịch và nhà phân tích dự đoán mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sẽ được duy trì tại cuộc họp trực tuyến của OPEC+ vào ngày 2/6. Ngân hàng UBS dự báo, OPEC+ sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng hiện tại ít nhất thêm 3 tháng nữa tại cuộc họp này.
Nhà phân tích Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định giá “vàng đen” tăng trong tuần này nhờ đồng USD yếu đi và sự đồng thuận ngày càng tăng rằng OPEC+ sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới.
Những lo ngại về việc lãi suất của Mỹ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn đã góp phần khiến giá dầu giảm trong tuần trước. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay, có thể làm giảm hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Do đó, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) của Mỹ dự kiến công bố ngày 31/5.
Nhà môi giới Tamas Varga tại PVM cho biết, những lo ngại về lãi suất có thể sẽ hạn chế các nỗ lực đẩy giá dầu lên cao hơn trong thời gian tới.
Số liệu trong ngành hàng không cũng giúp hỗ trợ giá dầu. Số ghế được lấp đầy trên các chuyến bay nội địa của Mỹ trong tháng 5/2024 đã tăng 5% so với tháng trước và gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức của năm 2019. Trong khi đó, số ghế được lấp đầy trên các chuyến bay quốc tế trong tháng 5/2024 cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Yến Anh