Trong phiên sáng 14/8 tại châu Á, giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tuần, do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Sau 7 tuần tăng liên tiếp, giá dầu cũng giảm trước những lo ngại về sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Trung Quốc và sự mạnh lên của đồng USD.
Vào lúc 9 giờ 19 phút ngày 14/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á được giao dịch ở ngưỡng 1.910,29 USD/ounce, giảm 0,2% so với phiên giao dịch trước và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7/7. Giá vàng kỳ hạn Mỹ cũng giảm 0,2%, còn 1.942,60 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, nâng giá trị của đồng USD lên mức cao nhất trong hơn một tháng.
Trong tuần trước, giá vàng thế giới đã trải qua một tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 7 tuần, do đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao trong bối cảnh các nhà đầu tư xem xét số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ và chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế vào cuối ngày. Kim loại quý này đã mất 1,2% giá trị trong tuần này do chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng vừa phải trong tháng 7/2023, với mức tăng lạm phát cơ bản hàng năm nhỏ nhất trong gần hai năm, làm dấy lên hy vọng rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm trong tháng 8/2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ và là cơ sở xem xét tăng lãi suất của Fed - sẽ công bố ngày 15/8 và biên bản cuộc họp tháng Bảy của Fed công bố ngày 16/8.
Lãi suất cao và lợi suất trái phiếu tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một loại tài sản không phát sinh lãi suất và được định giá bằng đồng USD. Hiện tại, đa số thị trường đang trong trạng thái “chờ đợi”.
Các thị trường cũng đang theo dõi dữ liệu về doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, theo kế hoạchsẽ được công bố ngày 15/8.
Cũng trong tuần trước, Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng mà quỹ này đang nắm giữ đã giảm 0,4% xuống còn 899,63 tấn. Nhu cầu vàng của quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới là Ấn Độ đang tăng, được hỗ trợ bởi giá vàng đi xuống. Trong khi đó, lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương, đi đầu là Trung Quốc cũng có dấu hiệu tăng.
Vào lúc 7 giờ 33 phút ngày 14/8 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 29 xu Mỹ (0,3%), xuống 86,52 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 24 xu Mỹ (0,3%), xuống 82,95 USD/thùng.
Đồng bạc xanh tăng giá đã kéo dài đà tăng của giá dầu trong phiên này, sau khi số liệu cho thấy giá sản xuất tăng tại Mỹ trong tháng Bảy đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này tăng, bất chấp những đồn đoán rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Chuyên gia Tina Teng của công ty CMC Markets dự đoán giá dầu có thể biến động trong biên độ hẹp trong tuần này, dưới sức ép từ đà phục hồi ảm đạm tại Trung Quốc và sự tăng giá của đồng USD, trong khi OPEC+ sẽ tìm cách duy trì nguồn cung thắt chặt và ổn định thị trường.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự đoán kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga sẽ làm giảm lượng dầu dự trữ trong thời gian còn lại của năm nay, từ đó có thể đẩy giá dầu lên cao.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ nhận định tình hình căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã làm tăng khả năng gián đoạn hoạt động thương mại tại Biển Đen, nơi mà khoảng 15-20% lượng dầu xuất khẩu của Nga đi qua.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, trong tuần trước, số giàn khoan dầu của Mỹ hoạt động vẫn ổn định ở mức 525 giàn, sau khi giảm 8 tuần liên tiếp.
Yến Anh