Giá vàng quay đầu giảm trong phiên 2/5, khi giới đầu tư hướng sự chú ý tới khả năng lãi suất Mỹ có thể sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn. Giá dầu biến động trái chiều, “lình xình” quanh mức giá thấp nhất 7 tuần.
Kết thúc phiên 2/5, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 2.306,69 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ hạ 0,1%, xuống 2.309,6 USD/ounce.
Giám đốc đầu tư David Meger tại công ty High Ridge Futures nhận định: “Với môi trường lạm phát dai dẳng và sức mạnh tương đối của đồng USD, chúng ta đã chứng kiến một số áp lực lên thị trường vàng trong vài tuần qua. Chúng tôi tin rằng đợt giảm giá này vẫn chưa diễn ra đúng hướng”.
Giới đầu tư dự báo dữ liệu kinh tế có thể ảnh hưởng đến lộ trình chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 1/5, trong khi báo hiệu rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục hướng tới việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương này cho biết việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% đang “thiếu tiến triển”.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Jim Wyckoff của chuyên trang về thị trường vàng Kitco cho rằng, diễn biến của giá vàng phiên 2/5 là đúng theo biểu đồ kỹ thuật bình thường sau mức tăng phiên trước đó, dựa trên quan điểm cho rằng tuyên bố của Fed không quá "diều hâu" như một số người lo ngại.
Sự chú ý của các nhà giao dịch tham gia thị trường hiện đã chuyển sang báo cáo việc làm tháng 4/2024 của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 3/5, và việc tăng trưởng số lượng việc làm mạnh mẽ có thể khiến triển vọng cắt giảm lãi suất bị kéo lùi hơn nữa.
Vàng thường được coi là hàng rào chống lạm phát, lãi suất cao nhằm kiềm chế giá cả tăng cao có thể làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.
Chốt phiên 2/5, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm nhẹ 5 xu Mỹ, xuống 78,85 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 12/3. Giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2024. Sau đó, cũng trong phiên này, giá dầu Brent tăng 23 xu, tương đương 0,3%, lên mức 83,67 USD/thùng.
Thị trường năng lượng chịu áp lực từ nhu cầu toàn cầu suy yếu, lượng hàng tồn kho tăng và kỳ vọng Fed nhanh chóng cắt giảm lãi suất đã mờ nhạt.
Nhà phân tích dầu Alex Hodes của công ty dịch vụ tài chính StoneX nhận định, cả hai loại dầu chủ chốt này đều đóng cửa dưới mức giá trung bình 200 ngày, đây là chỉ báo kỹ thuật quan trọng cho thấy sự thay đổi của thị trường dầu thô.
Các nhà đầu tư dầu mỏ ngày càng lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ, khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn tiếp tục mà không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung dầu ở Trung Đông.
Ngày 2/5, giá dầu giảm hơn 3% sau khi Chính phủ Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô bất ngờ tăng vọt và Fed giữ nguyên lãi suất với lý do lạm phát dai dẳng.
Nhu cầu dầu diesel trên toàn thế giới sụt giảm cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại ở các nền kinh tế lớn. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Insights Global, tồn kho xăng và dầu diesel tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp đã tăng hơn 3% trong tuần tính đến thứ ngày 2/5.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (tức OPEC+), vẫn chưa bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sau tháng 6/2024. Tuy nhiên, 3 nguồn tin từ các nhà sản xuất OPEC+ cho biết họ có thể duy trì mức cắt giảm nếu nhu cầu dầu không phục hồi.
Kể từ cuối năm 2022, OPEC+ đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm sản lượng do sản lượng khai thác từ Mỹ và các nhà sản xuất không thuộc tổ chức này tăng lên, đồng thời lo ngại về nhu cầu dầu khi các nền kinh tế lớn gặp khó khăn trong môi trường lãi suất cao. Cuộc họp sắp tới của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 1/6 tại Vienna, Áo để thiết lập chính sách sản lượng.
Yến Anh