logo
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 04/10/2023

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Bollinger Bands là một chỉ báo mạnh mẽ và được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật với nhiều chiến lược giao dịch khác nhau. Vậy cách tính và đặc điểm của chỉ báo Bollinger Bands là gì? Nhà đầu tư có thể kết hợp Bollinger Bands với những chỉ báo nào khác? Hãy cùng Investo tìm hiểu rõ hơn ở dưới đây nhé!

1. Bollinger Bands là gì?

Bollinger Bands (BBs) là một chỉ báo động lượng mạnh mẽ được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật. Bollinger Bands hoạt động dựa trên nguyên lý của đường trung bình động EMA (Exponential Moving Average) và độ lệch chuẩn giá. Theo đó, nó giúp nhà đầu tư xác nhận sức mạnh của xu hướng và biên độ biến động của thị trường.

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Tìm hiểu về chỉ báo Bollinger Bands trong phân tích kỹ thuật.

a. Đặc điểm

  • Cấu tạo: Chỉ báo Bollinger Bands được hình thành từ 3 đường di động chính. Bao gồm đường Moving Average trên chu kỳ 20 ngày (SMA 20) và 2 đường lệch chuẩn giá phía trên và phía dưới (Upper Band & Lower Band).
  • Công dụng: Chỉ báo Bollinger Bands đo lường mức biến động của các xu hướng thị trường và cung cấp thông tin về biên độ đó. Nó giúp nhà đầu tư xác nhận sức mạnh của một xu hướng thị trường và đánh giá khả năng duy trì của vùng giá đó. Song, Bollinger Bands còn có khả năng xác nhận các vùng giá đi ngang hoặc chuẩn bị đảo chiều.
  • Tín hiệu: Các tín hiệu từ Bollinger Bands đều được xác nhận tại các thời điểm dải siết chặt hoặc bị phá vỡ. Đây là hiện tượng hai dải Upper Band và Lower Band di chuyển ra xa hoặc sát vào nhau.
    • Tín hiệu siết chặt: Đây là tín hiệu cho thấy thị trường đang chuẩn bị cho một đợt tăng giá hoặc giảm giá mạnh sắp tới. Mặc dù không phải tín hiệu vào lệnh, nhưng tín hiệu này vẫn có khả năng đem đến nhiều lợi thế giao dịch cho nhà đầu tư.
    • Tín hiệu phá vỡ: Tín hiệu phá vỡ được xác nhận khi nến giá Breakout khỏi dải phía trên hoặc phía dưới của Bollinger Bands. Nó chứng tỏ thị trường đang có biến động rất mạnh mẽ và nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một xu hướng đảo chiều.

b. Cách tính

Chỉ báo Bollinger Band hoạt động với 3 đường chính là Middle Band, Upper Band và Lower Band. Trong phiên bản cài đặt mặc định, đường Middle Band của Bollinger Bands sẽ được cài là SMA 20 (Đường trung bình động chu kỳ 20). Dựa vào đó, ta có thể tính Bollinger Band theo công thức như sau:

  • Middle Band = SMA 20 (Đường trung bình động chu kỳ 20 ngày).
  • Upper Band = Middle Band + (Độ lệch chuẩn giá trên chu kỳ 20 ngày x 2).
  • Lower Band = Middle Band - (Độ lệch chuẩn giá trên chu kỳ 20 ngày x 2).

c. Ý nghĩa

Chỉ báo Bollinger Bands luôn có hai trạng thái dễ nhận biết nhất chính sự thu hẹp và mở rộng để phá vỡ. Cụ thể như sau:

Dải Bollinger Bands thu hẹp

Hiện tượng này được xác nhận khi các nến giá của thị trường có biến động nhỏ dần. Khi đó, hai đường Upper Band và Lower Band của dải sẽ co lại và hình thành một nút thắt. Đây là tín hiệu xác nhận thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy và chuẩn bị tăng mạnh hoặc giảm mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đây không phải tín hiệu vào lệnh. Do đó, nhà đầu tư cần sử dụng kết hợp thêm công cụ khác để tìm điểm vào lệnh tốt nhất.

Dải Bollinger Bands phá vỡ

Tín hiệu dải Bollinger Bands phá vỡ (Breakout) thường được xác nhận khi có một cây nến giá phá vỡ khỏi đường Upper Band hoặc Lower Band. Đây là một tín hiệu giao dịch mạnh mẽ mà nhà đầu tư có thể tận dụng. 

Cụ thể, khi giá phá vỡ đường Upper Band, nó cho thấy thị trường chuẩn bị tăng giá, đây là cơ hội mua tiềm năng. Ngược lại, khi giá phá vỡ đường Lower Band, thị trường đang chuẩn bị bước vào vùng giảm giá.

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Ý nghĩa khi sử dụng chỉ báo Bollinger Band.

2. Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

a. Bollinger BandWidth (BBW)

BandWidth (BBW) là thước đo độ rộng của các dải so với dải giữa của Bollinger Bands. Theo đó, ứng với mỗi sự kiện thu hẹp hay mở rộng của dải Bollinger Bands thì BBW cũng sẽ đưa ra các giá trị tương ứng. 

Nhà đầu tư thường sử dụng BBW để xác định rõ hơn các vùng tín hiệu Squeeze của Bollinger Bands. Cụ thể như biểu đồ phía dưới, tín hiệu Squeeze được xác nhận khi dải Upper Band và Lower Band đang thu hẹp lại về giữa. Dựa vào tín hiệu này, nhà đầu tư có thể xác nhận rằng giá chuẩn bị tăng hoặc giảm rất mạnh.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể kết hợp tín hiệu này với các chỉ báo khác, để xác định xu hướng sắp xảy ra. Điều này sẽ giúp việc tìm kiếm các điểm vào lệnh được chính xác hơn.

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Sử dụng BandWidth để xác định rõ hơn các tín hiệu từ BBs.

b. Bollinger Bands %B

Bollinger Bands %B là chỉ báo biểu thị mức giá đóng cửa của phiên giao dịch theo phần trăm của Upper Band và Lower Band. Theo đó, Upper Band được xác định với giá trị là 1.0, Middle Band được xác định với giá trị là 0,5, và Lower Band được xác định với giá trị là 0. 

Ví dụ: Đường Upper Band đang xác định tại mức $30  và giá thị trường hiện đang là  $22,50, ta có %B = 0,75. Các tín hiệu này sẽ giúp nhà đầu tư xác định các mức quá mua/ quá bán và xu hướng của thị trường một cách chính xác hơn.

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Sử dụng Bollinger Bands %B để xác định rõ hơn các tín hiệu từ BBs.

c. Bollinger Bands Trend (BBTrend)

BBTrend - Bollinger Bands Trend là một chỉ báo tương đối mới được phát triển bởi chuyên gia tài chính John Bollinger. Với nguyên lý hoạt động tương tự như dải Bollinger Bands, BBTrend là một trong số ít chỉ báo có thể báo hiệu cả cường độ và xu hướng của thị trường. Và cũng chính vì điều này mà BBTrend đã trở thành một công cụ rất có giá trị đối với các nhà giao dịch. 

BBTrend được tính bằng mã sau trong biểu đồ:

  • Lower Band = abs (lowerBB(20) – LowerBB(50)).
  • Upper Band = abs (upperBB(20) – UpperBB(50)).
  • BBTrend = (Lower - Upper) MiddleBB(20).

Nếu chỉ số BBTrend xuất hiện giá trị >0 thì tín hiệu có thể xác nhận xu hướng tăng. Ngược lại, khi chỉ số BBTrend cho giá trị <0, thì tín hiệu có thể xác nhận xu hướng giảm. Các giá trị di chuyển xung quanh số 0 giúp nhà đầu tư xác định biên độ biến động của giá đằng sau xu hướng. Qua đó, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về thị trường.

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Tìm hiểu về chỉ báo Bollinger Bands Trend - BBTrend.

d. Bollinger Bands và các mô hình nến đảo chiều

Bollinger Bands thường được sử dụng kết hợp với các mô hình nến đảo chiều để giúp tìm kiếm điểm vào lệnh chính xác hơn. Trong đó, nhà đầu tư có thể tham khảo 2 mô hình nến đảo chiều rất phù hợp khi kết hợp với BBs là Mô hình Dark Cloud Cover và Mô hình nến Hammer. Chi tiết như sau:

  • Mô hình Dark Cloud Cover (mây đen che phủ):

Đây là mô hình nến đảo chiều giảm với sự xác nhận từ 2 cây nến. Trong đó, cây nến đầu tiên là nến tăng tạo đỉnh và cây nến phía sau là nến giảm (giá mở cửa của cây nến phía sau thể cao hơn hoặc thấp hơn nến đầu tiên, giá đóng cửa của nến sau thấp hơn giá mở cửa nến trước, cùng với đó là khối lượng giao dịch cao).

Khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều này, nhà đầu tư sẽ chờ đợi sự xác nhận của một cây nến chạm vào Lower Band của Bollinger Bands. Đây là tín hiệu giảm giá mạnh mẽ do đó nhà đầu tư nên đặt lệnh bán để nhanh chóng tối ưu lợi nhuận.

  • Mô hình nến Hammer: 

Đây là mô hình nến đảo chiều tăng được xác nhận bởi 2 nến. Trong đó, nến 1 sẽ xác nhận sự giảm mạnh với mức giá thấp nhất trong ngày. Còn nến 2 sẽ có tín hiệu giảm trong phiên nhưng lại có lực mua cao ở cuối phiên. 

Mô hình nến Hammer đảo chiều thường xuất hiện ở cuối chu kỳ giảm. Khi xác định được mô hình nến này, nhà đầu tư cần chờ đợi một cây nến giá chạm đường Lower Band của dải Bollinger. Đó chính là tín hiệu xác nhận xu hướng tăng và nhà đầu tư có thể vào lệnh mua ở giá mở cửa của cây nến xác nhận xu hướng ngay phía sau.

Bollinger Bands và một số chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật

Cách sử dụng Bollinger Bands kết hợp cùng các mô hình nến đảo chiều.

3. Nguyên nhân của sự kết hợp

Trên thực tế, Bollinger Bands là một chỉ báo động lượng, nó giúp nhà đầu tư đánh giá các mức biên độ biến động của thị trường và cung cấp tín hiệu rất mạnh mẽ về khả năng duy trì của xu hướng đó. Tuy nhiên, Bollinger Bands không có khả năng dự báo xu hướng tiếp theo là tăng hay giảm. Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào các tín hiệu từ dải Bollinger, nhà đầu tư sẽ khó tìm được các điểm vào lệnh tối ưu.

Như vậy, việc kết hợp Bollinger Bands cùng các chỉ báo khác khi phân tích kỹ thuật sẽ nhằm mục đích chính là giải quyết nhược điểm này, giúp nhà đầu tư tìm kiếm điểm vào lệnh tốt hơn.

Chẳng hạn, với chỉ báo BBTrend giúp xác định xu hướng tăng/ giảm của thị trường thì Trader có thể kết hợp với tín hiệu phá vỡ của Bollinger Band. Cụ thể, khi dải BBs xuất hiện một cây nến phá vỡ khỏi đường Lower Band (hoặc Upper Band) và xác nhận một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh mẽ sắp diễn ra. Khi đó, Trader sẽ lướt sang BBTrend để xác định xu hướng thị trường và tìm điểm vào lệnh tiềm năng.

4. Ưu nhược điểm khi kết hợp Bollinger Bands và các chỉ báo khác

Ưu điểm: 

  • Tận dụng tối đa thông tin: Như bạn đã biết, chỉ báo Bollinger Bands cung cấp cho nhà đầu tư rất nhiều thông tin về sức mạnh và biên độ biến động của thị trường. Tuy nhiên, nó lại không bao gồm các tín hiệu vào lệnh rõ ràng. Do đó, việc kết hợp Bollinger Bands cùng các chỉ báo khác sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng tốt hơn các tín hiệu này.
  • Tìm kiếm điểm vào lệnh tối ưu: Bollinger Bands chỉ đo lường sức mạnh và biên độ biến động của các xu hướng chứ không có tác dụng xác định xu hướng. Do đó, nhà đầu tư cần kết hợp các chỉ báo khác để tìm kiếm điểm vào lệnh tốt hơn.
  • Ít gây xung đột: Trên thực tế, nếu bạn chỉ kết hợp Bollinger Bands cùng các chỉ báo xác định hướng khác thì tỷ lệ xung đột gần như bằng không. 

Nhược điểm:

  • Tín hiệu nhiễu: Bollinger Bands không có khả năng loại bỏ tín hiệu nhiễu từ các chỉ báo định hướng khác. Do đó, nhà đầu tư cần tự lên kế hoạch xử lý vấn đề này để đảm bảo tìm kiếm được điểm vào lệnh tốt nhất.
  • Khả năng xung đột khi kết hợp cùng các chỉ báo động lượng khác: Bản chất Bollinger Bands là một chỉ báo thuộc nhóm chỉ báo động lượng. Do đó, khi kết hợp BBs cùng các chỉ báo động lượng khác, nhà đầu tư cần chú ý phân tích thông tin để gặp phải các sự xung đột.

5. Kết luận

Như bạn đã thấy, Bollinger Bands là một chỉ báo động lượng rất mạnh mẽ với khả năng cung cấp tín hiệu chính xác về các sự kiện của thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những tín hiệu này, nhà đầu tư cần kết hợp Bollinger Bands với một số chỉ báo khác để vào lệnh tốt hơn. Mong rằng qua bài viết trên Investo đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một số chiến lược kết hợp Bollinger Bands để giao dịch hiệu quả.

Phương Sơn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến