logo
Theo dõi investo trên google news

chủ nhật, 04/02/2024

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 

Stochastic Oscillator là một chỉ báo phân tích kỹ thuật mạnh mẽ được sử dụng trong nhiều chiến lược. Nó có khả năng xác nhận các tín hiệu quá mua/ quá bán và tin hiệu giao dịch hiệu quả. Vậy cụ thể chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Hãy cùng Investo tìm hiểu rõ hơn về công thức tính, ý nghĩa và hướng dẫn giao dịch với Stochastic Oscillator ở dưới đây nhé!

1. Stochastic Oscillator là gì ?

Stochastic Oscillator là một chỉ báo động lượng được sử dụng để so sánh các mức giá đóng cửa của tài sản trong một phạm vi cụ thể. Chỉ báo Stochastic hoạt động dựa trên việc đánh giá động lực và so sánh các mức giá đóng cửa với nhau. Nhờ đó, nó có thể dễ dàng đo lường cường độ của xu hướng, xác nhận các khu vực quá Mua/ quá Bán và tìm kiếm điểm giao dịch có lợi nhất. 

Một bộ chỉ báo Stochastic Oscillator hoàn chỉnh sẽ được thể hiện với hai bộ phận chính là đường %K và đường %D. Trong đó:

  • Đường %K (Màu xanh) là đường dao động chính và có xu hướng di chuyển nhanh hơn. 
  • Đường %D (Màu cam) là đường dao động trung bình được tính theo giá trị SMA 3 của đường %K. 

Dựa trên nguyên lý tính toán này mà chỉ báo Stochastic Oscillator có thể đo được xung lượng của thị trường - Tốc độ thay đổi của giá so với kỳ vọng hoặc mức giá thực tế. Điều này giúp Stochastic cung cấp tín hiệu về chuyển động giá thị trường ngay trước khi nó xảy ra. Đây cũng chính là lợi thế khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn sử dụng chỉ báo Stochastic.

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic

Tìm hiểu về chỉ báo Stochastic Oscillator trong phân tích kỹ thuật.

2. Công thức tính Stochastic Oscillator

Công thức tính Stochastic Oscillator cụ thể như sau:

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Công thức tính đường %K của chỉ báo Stochastic Oscillator.

Trong đó: 

  • C là mức giá của tài sản khi kết phiên hiện tại.
  • L14 là mức giá tài sản thấp nhất trong khoảng 14 phiên giao dịch (Theo cài đặt mặc định).
  • H14 là mức giá tài sản cao nhất trong khoảng 14 phiên giao dịch (Theo cài đặt mặc định). 

Đối với chỉ báo Stochastic Oscillator:

  • Đường %K phản ánh các giá trị gần nhất với các tỷ giá thị trường của tài sản.
  • Đường %D là đường trung bình động SMA 3 của %K, nó tính toán và đưa ra các giá trị hỗ trợ cho đường %K. Chính vì điều này mà đường %D còn được gọi là một đường “Stochastic Slow”.
  • 14 phiên giao dịch là chu kỳ được cài đặt mặc định khi sử dụng chỉ báo Stochastic. Ngoài chu kỳ này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng các chu kỳ khác phù hợp hơn với phong cách giao dịch cá nhân.

3. Ý nghĩa của Stochastic Oscillator

Stochastic giúp xác nhận xu hướng thị trường

Chỉ báo Stochastic có thể giúp nhà đầu tư xác nhận các xu hướng của giá thị trường dựa trên biểu hiện của hai đường %D và đường %K. Trong đó:

  • Tín hiệu tăng giá được xác nhận khi cả hai đường %D và %K của Stochastic Oscillator cùng tăng lên và di chuyển lên cao.
  • Tín hiệu giảm giá cũng có thể xác nhận dựa trên các tín hiệu tương tự. Cụ thể, nhà đầu tư có thể xác nhận thị trường đang giảm giá khi hai đường %D và %K của Stochastic Oscillator cùng giảm và di chuyển xuống dưới.

Tuy nhiên, Stochastic Oscillator không thể xác nhận rằng các xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu. Do đó, nhà đầu tư được khuyến khích kết hợp chỉ báo Stochastic với một số công cụ khác như Bollinger Bands hay MACD,... để các tín hiệu được xác nhận rõ ràng hơn.

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Stochastic Oscillator có khả năng xác nhận xu hướng giá.

Stochastic giúp xác định khu vực quá mua/ quá bán

Chỉ báo Stochastic có thể xác nhận các khu vực quá mua và quá bán dựa trên sự chuyển động của 2 đường %K và %D giữa 2 dải biên. Cụ thể như sau: 

  • Tín hiệu quá mua: Tín hiệu quá mua được xác nhận khi đường %K và %D di chuyển lên cao và vượt qua mức 80 của đường biên bên trên (>80). Nếu có xác nhận tín hiệu quá mua này, nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi mua thêm cổ phiếu. 
  • Tín hiệu quá bán: Tín hiệu quá bán được xác nhận khi hai đường %K và %D di chuyển thấp xuống dưới mức 20 và đi qua đường biên phía dưới (<20). Đây chính là tín hiệu xác nhận sự quá bán và thị trường sẽ nhanh chóng tăng giá trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư cần chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu hướng tiếp theo để tìm kiếm vị thế tối ưu nhất. 

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic

Stochastic Oscillator giúp xác định vùng quá mua/ quá bán.

Stochastic giúp xác định điểm đảo chiều xu hướng

Thông thường, nhà đầu tư thường có xu hướng xác nhận các xu hướng đảo chiều dựa trên các tín hiệu quá mua và quá bán nhận được. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator cũng có thể giúp xác nhận tín hiệu này dựa theo một cách khác, đó là xác nhận sự đảo chiều dựa trên sự phân kỳ hoặc giao cắt giữa hai đường %D và %K.

  • Tín hiệu đảo chiều tăng xác nhận khi đường %K cắt lên trên đường %D.
  • Tín hiệu đảo chiều giảm xác nhận khi đường %k cắt xuống bên dưới đường %D.

Bạn có thể theo dõi hình ảnh dưới đây để hiểu rõ hơn về ý nghĩa này. Trong đó, đường %D có màu cam và đường %K có màu xanh lam

v

Stochastic Oscillator xác nhận tín hiệu đảo chiều dựa trên đường %K và %D.

4. Sự phân kỳ của Stochastic Oscillator

Sự phân kỳ của Stochastic Oscillator được xác nhận cụ thể trong hai trường hợp sau:

  • Trường hợp 1: Sự phân kỳ Stochastic Oscillator được xác nhận khi giá thị trường liên tục tăng tạo đỉnh mới cao hơn các đỉnh trước, còn Stochastic Oscillator lại liên tục tạo đáy mới thấp hơn đáy trước đó.
  • Trường hợp 2: Sự phân kỳ Stochastic Oscillator được xác nhận khi giá thị trường liên tục giảm tạo đáy mới thấp hơn các mức đáy trước, còn chỉ báo Stochastic Oscillator lại liên tục tăng tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh trước đó.

Sự phân kỳ (Divergence) là một tín hiệu quan trọng thường được xác nhận ngay sau các đợt biến động mạnh. Nó là tín hiệu cho thấy thị trường chuẩn bị đảo chiều theo hướng ngược lại để chuẩn bị bước vào xu hướng tích lũy. Nhờ đó, thị trường giao dịch có thể ổn định lại trước khi tiếp tục các xu hướng giá tiếp theo. 

Ví dụ về sự phân kỳ giá lên của Stochastic Oscillator với hiện tượng phá vỡ đường xu hướng:

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Sự phân kỳ giá khi sử dụng chỉ báo Stochastic Oscillator có ý nghĩa gì?

Ví dụ về phân kỳ giá xuống của Stochastic Oscillator với sự phá vỡ đường xu hướng:

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Tìm hiểu về sự phân kỳ của Stochastic Oscillator khi phân tích kỹ thuật.

5. Chiến lược sử dụng Stochastic Oscillator trong giao dịch

Chiến lược giao dịch trong ngày với Stochastic Oscillator với Admiral Keltner

Chiến lược giao dịch trong ngày sử dụng Stochastic Oscillator có yêu cầu cài đặt các chỉ báo sau:

  1. Admiral Keltner.
  2. Stochastic (15,3,3).
  3. Admiral Pivot (D1).

Trong đó, chỉ báo Admiral Keltner có thể set up như hình bên dưới:

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Cách setup chiến lược giao dịch trong ngày với chỉ báo Stochastic Oscillator.

Nguyên tắc mua:

  • Xác nhận có xuất hiện một cây nến đóng bên dưới đường Keltner dưới cùng và đường tín hiệu trên Stoch dưới vùng quá bán (<20).
  • Xác nhận một cây nến hướng lên với đường tín hiệu trên Stochastic nhưng vẫn có giá trị giao động trong khoảng bằng hoặc dưới 20. Đây chính là cây nến xác nhận xu hướng tăng để vào lệnh mua.
  • Xác nhận PSAR bên dưới thanh nến. 

Nguyên tắc bán:

  • Xác nhận có một cây nến được đóng ở phía bên trên đường Keltner trên cùng và đường Stochastic cho tín hiệu quá mua (>80).
  • Xác nhận một cây nền đi xuống với đường tín hiệu trên Stochastic nhưng vẫn bằng hoặc trên 80. Đây chính là cây nến xác nhận xu hướng đảo chiều giảm để vào lệnh bán
  • Xác nhận tín hiệu PSAR nằm bên dưới cây nến.

Cách đặt cắt lỗ - StopLoss:

  • Đối với các giao dịch mua: Mức cắt lỗ nên đặt cách 5 pips bên dưới mức hỗ trợ Admiral Pivot tiếp theo.
  • Đối với các giao dịch bán: Mức cắt lỗ nên cài đặt ở cách 5 pips phía trên mức kháng cự Admiral Pivot tiếp theo.

Mục tiêu lợi nhuận - Take Profit:

  • Đối với giao dịch mua, mục tiêu lợi nhuận chính là điểm xoay (Pivot points) nằm gần xu hướng tăng.
  • Đối với giao dịch bán, mục tiêu chốt lời của các giao dịch bán chính là điểm Pivot point ở gần xu hướng giảm.

Cụ thể hơn, bạn có thể theo dõi hình ảnh dưới đây để nắm rõ được các nguyên tắc giao dịch trong ngày khi sử dụng chỉ báo Stochastic Oscillator.

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Nguyên tắc giao dịch trong ngày khi sử dụng chỉ báo Stochastic Oscillator.

Chiến lược Scalping với Stochastic Oscillator

Chiến lược Scalping với Stochastic Oscillator sẽ tập trung vào việc giao dịch dựa trên các mức Momentum bounce. Đây là các giá trị được phản ánh thông qua Admiral Pivot trên khung thời gian giờ.

Cách cài đặt và Setup các chỉ báo cho chiến lược Scalping Stochastic: 

  1. Sử dụng chỉ báo Stochastic (13,8,8) với các mức 80,50,20.
  2. Admiral Pivot (đặt trên H1).
  3. Khung thời gian: Sử dụng khung giờ M5 cho tất cả các mục nhập lệnh và M30 cho hướng xu hướng.

Nguyên tắc thực hiện lệnh mua:

  • Trên khung thời gian M30, xác nhận đường Stochastic đang di chuyển bên trên mức 20 hoặc 50. Đây là tín hiệu xác nhận xu hướng tăng chuẩn bị bắt đầu.
  • Di chuyển đến khung thời gian M5 và chờ đợi chỉ báo Stochastic vượt qua 20 hoặc 50 từ dưới lên. Tại đây nhà đầu tư cài đặt lệnh mua.

Nguyên tắc thực hiện lệnh bán:

  • Trên khung thời gian M30, xác nhận đường Stochastic Oscillator đang di chuyển ở bên dưới 80 hoặc 50. Đây là tín hiệu thị trường chuẩn bị giảm giá
  • Di chuyển đến khung thời gian M5 và chờ đợi Stochastic Oscillator vượt xuống dưới mức 80 hoặc 50. Đây là tín hiệu xác nhận xu hướng giảm bắt đầu. Nhà đầu tư nên cài đặt lệnh bán

Cách đặt điểm cắt lỗ -StopLoss:

  • Mức cắt lỗ tốt nhất cho các lệnh giao dịch là khoảng 5 pips so với nến M30 trước đó. 

Mục tiêu lợi nhuận - Take Profit:

  • Mục tiêu lợi nhuận chính là các điểm Admiral Pivot được đặt trên biểu đồ H1. Do các điểm này sẽ thay đổi mỗi giờ nên nhà đầu tư cần chú ý theo dõi biểu đồ thường xuyên. 

Trong biểu đồ dưới đây, ta có chỉ báo Stochastic Oscillator vừa vượt qua mức 80 từ trên xuống. Do đó, nhà đầu tư có thể vào lệnh bán ở ngay thời điểm này. Hoặc, chờ đợi tín hiệu Stochastic Oscillator vượt qua mức 50 tiếp theo để có được sự xác nhận tốt nhất. 

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Nguyên tắc giao dịch với chiến lược Scalping Stochastic Oscillator

Chiến lược giao dịch Swing với Stochastic Oscillator và Admiral Pivot

Cách cài đặt và Setup các chỉ báo cho chiến lược Swing Stochastic: 

  1. Cài đặt đường trung bình động đơn giản SMA (150).
  2. Admiral Pivot.
  3. Cài đặt Stochastic (6,3,3) với hai mức 80 và 20.
  4. Sử dụng chỉ báo RSI (3) với hai mức 70 và 30.
  5. Giao dịch trên biểu đồ ngày (D1).

Đây là chiến lược giao dịch lướt sóng (Swing trading), phù hợp với những nhà đầu tư bán thời gian. Do đó, chúng ta sẽ tập trung tìm kiếm các khoảng chênh lệch ngắn hạn và để hạn chế việc ngồi theo dõi biểu đồ suốt một ngày. 

Nguyên tắc mua:

  • Xác nhận nến đang giao dịch phía trên đường SMA 150. 
  • Xác nhận chỉ báo RSI ở dưới 30 hoặc cắt 30 từ dưới lên. Đây là tín hiệu chuẩn bị tăng giá.
  • Xác nhận chỉ báo Stochastic Oscillator cắt qua mức 20 từ bên dưới. Đây là tín hiệu quá bán và khả năng cao thị trường chuẩn bị đảo chiều tăng.
  • Sau khi xác nhận các tín hiệu trên, nhà đầu tư cần tìm kiếm một cây nền xác nhận xu hướng để vào vị thế mua.

Nguyên tắc bán:

  • Xác nhận nến đang giao dịch phía bên dưới 150 SMA 
  • Xác nhận chỉ báo RSI trên 70 hoặc cắt 70 từ trên xuống. Đây là tín hiệu thị trường chuẩn bị giảm giá.
  • Xác nhận chỉ báo Stochastic cắt qua mức 80 từ trên xuống. Đây là tín hiệu quá mua và khả năng cao thị trường sẽ đảo chiều giảm trong thời gian tới.
  • Sau khi xác nhận 3 tín hiệu trên, nhà đầu tư cần chờ đợi sự xuất hiện của một cây nến xác nhận xu hướng giảm để mở lệnh bán.

Cài đặt Trailing stop - Cắt lỗ di động:

  • Đối với xu hướng tăng và lệnh Buy, Trailing Stop nên đặt ở dưới mức giá thấp nhất của thanh nến đứng phía trước nến tín hiệu vào lệnh. Đây là vị trí cắt lỗ tốt nhất khi nó đảm bảo khả năng di chuyển của Trailing Stop. 
  • Đối với xu hướng giảm và lệnh Sell, Trailing stop nên đặt ở phía trên mức giá cao nhất của thanh nến đứng phía trước nến tín hiệu vào lệnh.

Lời khuyên từ chuyên gia: Các mức giá giao dịch đang hình thành cần phải di chuyển ở gần với đường SMA để đảm bảo các tín hiệu trước khi đặt lệnh.

Bạn có thể theo dõi hình ảnh dưới đây để hiểu rõ hơn về các nguyên tắc giao dịch với chiến lược giao dịch Swing sử dụng Stochastic Oscillator và Admiral Pivot.

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Chiến lược giao dịch Swing với chỉ báo Stochastic Oscillator và Admiral Pivot

6. Hướng dẫn sử dụng chỉ báo Stochastic Oscillator

Xác nhận giao dịch trên vùng quá mua/ quá bán

Stochastic Oscillator biểu diễn hai đường chuyển động là %D (màu cam) và %K (màu xanh). Theo đó, hướng dẫn sử dụng cơ bản với chỉ báo Stochastic Oscillator sẽ yêu cầu nhà đầu tư xác nhận các mức quá mua và quá bán của thị trường. Đây là các tín hiệu cho thấy thị trường đang chạm đến giới hạn giao dịch. Do đó, nó sẽ chuẩn bị đảo chiều theo hướng ngược lại để đảm bảo sự ổn định và tránh quá tải. 

Tín hiệu “quá mua” xác nhận khi hai đường phá vỡ khỏi mức 80 phía trên. Còn tín hiệu quá bán được xác nhận khi hai đường phá vỡ khỏi mức 20 phía dưới.

Xác nhận tín hiệu giao dịch

Chỉ báo Stochastic Oscillator có khả năng xác nhận các tín hiệu giao dịch dựa vào sự giao cắt giữa hai đường %K và %D. Cụ thể:

  • Tín hiệu vào lệnh Sell: Khi cả hai đường %K và %D cùng nằm trên mức “quá mua” (>80). Ta có xác nhận đường %K cắt xuống bên dưới đường %D. Đây chính là một tín hiệu giao dịch tốt, nhà đầu tư nên sớm vào lệnh bán. 
  • Tín hiệu vào lệnh Buy: Khi cả hai đường %K và %D cùng nằm dưới mức quá bán (<20). Ta có thể xác nhận tín hiệu giao dịch và vào lệnh Buy ngay đường %K cắt bên trên đường %D.

Bạn có thể theo dõi biểu đồ dưới đây để hiểu rõ hơn về cách xác nhận tín hiệu giao dịch thông qua chỉ báo Stochastic Oscillator.

Chỉ báo Stochastic Oscillator là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic 
Hướng dẫn sử dụng Stochastic Oscillator để xác nhận tín hiệu giao dịch.

7. Các điểm giao cắt Stochastic Oscillator trong vùng quá mua/quá bán

Như bạn đã biết, chỉ báo Stochastic Oscillator được hình thành dựa trên hai đường di động là %K và %D. Bởi, %K được coi là đường chỉ báo chính cho Stochastic Oscillator, còn %D là đường hỗ trợ được tính toán dựa trên đường %K. Nên %K luôn đi nhanh hơn và hoạt động như một điểm tựa cho đường %D. Chính nguyên lý này đã dẫn đến các điểm giao cắt Stochastic Oscillator trong vùng quá mua/ quá bán.

Trong đó:

  • Tín hiệu Buy trong vùng quá bán xác nhận khi chỉ báo Stochastic nằm trên mức 80 xác nhận vùng quá mua. Cùng lúc đó, tín hiệu giao dịch hình thành khi đường %K cắt vượt lên trên đường %D trong khi vẫn trên 80. 
  • Tín hiệu Sell trong vùng quá mua xác nhận khi chỉ báo Stochastic nằm dưới mức 20 xác nhận vùng quá mua. Cùng lúc đó, tín hiệu giao dịch hình thành khi đường %K cắt vượt xuống đường %D trong khi vẫn dao động dưới mức 20.

Lợi thế khi giao dịch dựa trên các tín hiệu này chính là việc nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch từ rất sớm với khả năng chốt lời cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến khả năng duy trì trạng thái quá mua/ quá bán của thị trường. Giá có thể nằm trong mức quá mua/ quá bán một thời gian dài trước khi điều chỉnh lại. Điều này có thể khiến nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro lớn nếu không chú ý.

8. Kết Luận

Stochastic Oscillator là một chỉ báo động lượng mạnh mẽ với khả năng cung cấp nhiều tín hiệu và dự báo chính xác về xu hướng giá sắp tới. Dựa vào chỉ báo này, nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch với nhiều lợi thế hơn, tuy nhiên nó vẫn tồn tại một số hạn chế mà nhà đầu tư cần lưu ý. Investo mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có thể giao dịch hiệu quả hơn với công cụ này. Cảm ơn bạn đã đọc!

Phương Sơn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến