logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 13/06/2022

Đầu tư 101 & Investo: EBITDA là gì?

Định nghĩa:

EBITDA (viết tắt của "Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ") đo lường hiệu suất tài chính tổng thể của doanh nghiệp và thường được sử dụng làm thước đo khả năng sinh lời. Đây là một từ viết tắt quan trọng trong kinh doanh.

Đầu tư 101 & Investo: EBITDA là gì? Công thức tính EBITDA

Tìm hiểu về EBITDA

Thuật ngữ “lợi nhuận” được đề cập rất nhiều trong giới tài chính. Và có rất nhiều định nghĩa về những yếu tố cấu thành lợi nhuận, một trong số đó là EBITDA, hoặc Thu nhập trước Lãi vay, Thuế, Khấu hao và Khấu trừ. EBITDA giúp đánh giá hiệu quả hoạt động mà không xét đến các quyết định tài chính, môi trường thuế hoặc quyết định kế toán. Đại lượng này loại trừ đi các chi phí liên quan đến nợ bằng cách cộng lại thuế và chi phí lãi vay vào thu nhập. Các nhà đầu tư cũng có thể sử dụng EBITDA như một thước đo để giúp so sánh các công ty với nhau.

Ví dụ

Dưới đây là một cách tính EBITDA dễ dàng cho GoPro nếu xét báo cáo tài chính của công ty này vào cuối tháng 12/2018.

Doanh thu của công ty là khoảng 1,15 tỷ USD. Doanh thu - giá vốn hàng bán =

1,15 tỷ USD - 785 triệu USD = 363 triệu USD

Chi phí hoạt động của công ty là 434 triệu USD. 363 triệu USD - 434 triệu USD = 71 triệu USD.

Công thức tính EBITDA cho biết thu nhập hoạt động của công ty cộng khấu hao và khấu trừ.

Vì GoPro không khấu hao hoặc khấu trừ nên EBITDA của công ty lỗ 71 triệu USD. EBITDA đóng vai trò là một thước đo tốt để giúp xác định thu nhập của công ty trước chi phí nợ và để tính toán khả năng sinh lời.

Bài học

EBITDA giúp nhà đầu tư đánh giá được lợi nhuận thực sự của doanh nghiệp... và tất cả các nghiệp vụ kế toán đều được loại bỏ.

Khi cộng lại chi phí thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ, bạn sẽ nhìn được bức tranh toàn cảnh hơn về lợi nhuận của một công ty trong kỳ báo cáo. Phép tính này giúp bạn đưa ra nhận định tốt hơn khi đánh giá hoặc so sánh các công ty, dù là đại chúng hay tư nhân.

Đầu tư 101 & Investo: EBITDA là gì? EBITDA thể hiện lợi nhuận thực sự của doanh nghiệp

Công thức EBITDA là gì?

Bên cạnh EBITDA còn có nhiều từ viết tắt nữa mà nhà đầu tư cần tìm hiểu. Phép tính EBITDA bắt đầu từ lợi nhuận hoạt động. Lợi nhuận hoạt động còn được gọi là thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT). Cộng khấu hao và khấu trừ ngược lại vào EBIT (Thu nhập trước lãi vay và thuế) thì sẽ thành EBITDA.

Phương pháp tính thậm chí còn đơn giản hơn được trình bày như sau: EBITDA = Lợi nhuận ròng + Lãi vay + Thuế + Khấu hao + Khấu trừ

Công thức khác: EBITDA = Thu nhập hoạt động + Khấu hao + Khấu trừ

Để phân tích thêm, cần đi sâu vào từng thành phần.

  • Lợi nhuận ròng: Đây đơn giản là thu nhập ròng sau tất cả các khoản chi phí. Đó là mức lợi nhuận cuối cùng và xuất hiện ở cuối báo cáo tài chính.
  • Chi phí lãi vay: Tiền lãi phải trả cho thiết bị và các hạng mục khác được mua sắm bằng thông qua công cụ nợ. Khoản mục này sẽ khác nhau giữa các công ty và là một khoản chi được trình bày trong phần chi phí từ những hoạt động khác.
  • Thuế: Các công ty đóng thuế theo tỷ lệ phần trăm thu nhập. Con số này thay đổi theo năm và phụ thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, vị trí và quy mô của công ty.
  • Khấu hao và khấu trừ: Các chi phí này cho biết nguyên giá của một tài sản (như máy móc trong nhà máy hoặc phương tiện vận chuyển) và mức hao mòn do sử dụng trong giai đoạn báo cáo. Các chi phí này xuất hiện trên phần chi phí hoạt động của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Một trong những lý do chính khiến EBITDA nổi bật là vì đại lượng hiển thị số liệu lợi nhuận cao hơn so với lợi nhuận hoạt động đơn thuần. Các công ty trong những ngành thâm dụng vốn có thể phải gánh rất nhiều nợ để tài trợ cho các hoạt động của họ, vì vậy họ thường chọn EBITDA làm thước đo ưa thích để báo cáo.

Tại sao lại sử dụng EBITDA và Tỷ lệ Thanh toán Lãi vay?

EBITDA giúp giới đầu tư và phân tích nhìn được bức tranh trọn vẹn hơn về giá trị của một công ty và đánh giá giá trị tiềm năng của họ. Đại lượng này giúp loại bỏ ảnh hưởng từ phía chính phủ, các quyết định tài chính và kế toán ra khỏi phương trình tính toán để cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn rõ ràng hơn về doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán sử dụng EBITDA để giúp xác định dòng tiền và cuối cùng là ước tính mức định giá cho công ty. Thông thường, mức định giá được tính toán và báo cáo dưới dạng bội số trên EBITDA (tỷ lệ hàng năm).

Tỷ lệ thanh toán lãi vay là tỷ lệ sinh lời và nợ được sử dụng để xác định khả năng của một công ty trong việc trả lãi cho các khoản nợ chưa thanh toán, và đây là một phép tính quan trọng.

Các nhà đầu tư tính toán tỷ lệ thanh toán lãi vay để xác định khả năng trả lãi đúng hạn của công ty. Hầu hết các nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ này để nắm rõ về lợi nhuận của công ty và rủi ro của họ. Các nhà đầu tư thường kỳ vọng doanh nghiệp có thể thanh toán các hóa đơn mà không cần bào mòn vào lợi nhuận và không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Còn phía chủ nợ thì sẽ sử dụng tỷ lệ thanh toán lãi vay để xác định xem doanh nghiệp có thể gánh thêm nợ hay không. Các công ty không thể trả lãi cho khoản nợ đã vay thì chắc chắn sẽ không thể trả nợ gốc.

Tỷ lệ thanh toán lãi vay = (Thu nhập trước lãi vay và thuế)/Chi phí lãi vay

Biên EBITDA là gì?

Các nhà phân tích đôi khi sử dụng một biến thể của EBITDA, hay biên EBITDA, để đánh giá hiệu quả hơn về lợi nhuận của công ty so với doanh thu của họ. Công thức tính như sau:

Biên EBITDA = EBITDA/Tổng doanh thu

Công thức trên xác định tỷ lệ phần trăm EBITDA so với doanh thu của công ty. Tỷ suất đó cho biết doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu lợi nhuận trong một năm. Một doanh nghiệp có mức biên lợi nhuận lớn hơn so với doanh nghiệp khác thường sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư vì họ có thể có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn.

Ví dụ cụ thể như sau.

Công ty A có EBITDA là 700 nghìn USD và doanh thu là 7 triệu USD. Như vậy biên lợi nhuận EBITDA của họ là 10%. Công ty B có EBITDA là 650 nghìn USD và doanh thu 8 triệu USD. Áp dụng công thức, có thể thấy biên lợi nhuận của công ty B là 8% cho (650 nghìn USD/8 triệu USD). Nếu một nhà đầu tư tiềm năng phải cân nhắc giữa các lựa chọn, họ có thể sẽ chọn Công ty A vì có biên lợi nhuận cao hơn Công ty B.

Sự khác biệt giữa biên EBITDA và biên lợi nhuận

Hầu hết các chuyên gia tài chính đồng ý rằng biên lợi nhuận ròng là một chỉ báo quan trọng về sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Tỷ suất giúp xác định mỗi đồng doanh thu tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. EBITDA khác ở chỗ đại lượng này có tính đến chi phí sản xuất và hoạt động, nhưng cộng ngược lại khấu hao và khấu trừ.

Các tính toán như sau:

Biên lợi nhuận ròng = (Doanh thu - Chi phí bán hàng - Chi phí hoạt động - Chi phí khác - Lãi vay - Thuế)/Doanh thu × 100.

EBITDA điều chỉnh là gì?

Tác dụng của EBITDA điều chỉnh là làm cho các nhà phân tích hoặc nhà đầu tư xác định rõ hơn liệu một doanh nghiệp mà họ đang quan tâm có phải là khoản đầu tư tốt hơn doanh nghiệp khác hay không. Mức chênh lệch giữa EBITDA và EBITDA điều chỉnh thường nhỏ. Nhưng ngay cả khi như vậy, điều quan trọng là nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về sự khác biệt này.

Nếu chuẩn hóa thu nhập và dòng tiền và loại bỏ các khoản chi không thường xuyên như tiền thưởng cho chủ sở hữu sẽ giúp cho các phép so sánh giữa các doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Công thức tính EBITDA điều chỉnh cũng dễ dàng như các công thức trước nhưng sẽ hơi phức tạp hơn một chút. Phép tính này cần loại bỏ các khoản chi phí không thường xuyên và không định kỳ.

Dưới đây là những khoản mục bị loại trừ trong EBITDA điều chỉnh.

  • Thu nhập từ hoạt động kinh doanh
  • Lãi hoặc lỗ chưa thực hiện
  • Chi phí phi tiền mặt
  • Chi phí kiện tụng
  • Bút toán giảm tài sản
  • Lãi hoặc lỗ do biến động tỷ giá hối đoái
  • Các khoản đóng góp đặc biệt
  • Lãi hoặc lỗ một lần
  • Suy giảm lợi thế thương mại
  • Tiền lương thưởng vượt mức cho chủ sở hữu
  • Trả lương bằng cổ phần

Bội số EBITDA là gì?

Giá trị đầu tiên cần xác định khi tính bội số EBITDA chính là giá trị doanh nghiệp (EV). EV có thể được tính bằng cách tìm tổng các giá trị sau:

  • Giá trị nợ
  • Cổ phiếu phổ thông
  • Lợi ích của cổ đông thiểu số
  • Cổ phiếu ưu đãi

Sau khi thống kê xong, lấy tiền và các khoản tương đương tiền, tức là tiền trong tài khoản ngân hàng, tín phiếu kho bạc, chứng khoán ngắn hạn, v.v. trừ đi tổng giá trị đã tính

Công thức được trình bày như sau:

Bội số EBITDA = Giá trị doanh nghiệp/EBITDA

Công thức trên còn có thể được mở rộng thêm một bước nữa bằng cách sử dụng phép tính Giá trị doanh nghiệp/Bội số EBITDA. Tỷ lệ đó giúp cho các nhà đầu tư thấy rõ liệu doanh nghiệp có được định giá quá cao hoặc định giá quá thấp hay không. Tỷ lệ cao có nghĩa là công ty có thể được định giá quá cao (ngược lại, tỷ lệ thấp có nghĩa là công ty có thể đang bị định giá thấp). Điểm khác biệt lớn nhất giữa bội số EBITDA và tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E) là ở chỗ bội số EBITDA có xét đến nợ trong khi tỷ lệ P/E thì không.

Như vậy, làm thế nào để biết liệu EV/EBITDA có tốt hay không? Nói chung, bất kỳ giá trị nào dưới 10 cũng đều được coi là tốt. Để xác định liệu tỷ lệ EV/EBITDA trong một ngành có tốt hay không, giới đầu tư thường so sánh giá trị tương đối của các công ty trong cùng ngành.

EV/EBITDA càng thấp thì mức định giá của doanh nghiệp càng rẻ. Nguyên lý tương tự cũng được áp dụng cho tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E). Do đó, các nhà đầu tư thông minh thường sẽ tìm đến các công ty có tỷ lệ thấp. Để thoải mái hơn, các nhà đầu tư theo trường phái “ăn chắc mặc bền” thường sẽ chọn công ty có tỷ lệ P /E và EV /EBITDA thấp, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cổ tức ổn định đối với những công ty có trả cổ tức.

Sự khác biệt giữa Thu nhập hoạt động và EBITDA

Có một thuật ngữ khác cũng rất hữu ích khi đào sâu về EBITDA, đó là thu nhập hoạt động. Thu nhập hoạt động là số tiền còn lại sau khi trừ đi lợi nhuận từ chi phí hoạt động, như khấu hao và khấu trừ. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh giúp nhà đầu tư phân tích các hoạt động cốt lõi và công tác quản lý chi phí của một công ty. EBITDA còn chi tiết hơn một bước nữa bằng cách giúp phản ánh khả năng sinh lời của công ty. Các nhà đầu tư nên sử dụng cả hai đại lượng vừa nêu khi định giá doanh nghiệp.

Sự khác biệt giữa Thu nhập ròng và EBITDA

Một số doanh nghiệp muốn biết tổng thu nhập của họ sau khi hạch toán tất cả các chi phí. Một số chủ sở hữu khác thì lại muốn biết lợi nhuận trước các chi phí như thuế và khấu hao. Điểm khác biệt lớn nhất giữa việc sử dụng khấu hao và khấu trừ. EBITDA tính toán lợi nhuận của công ty trước khi trả lãi và thuế, đồng thời cũng tính đến khấu hao và khấu trừ. Trong khi đó, thu nhập ròng tính đến thu nhập sau khi hạch toán tất cả các chi phí.

Giá trị EBITDA có thể được điều chỉnh không?

Đáp án là có. EBITDA trong trường hợp này sẽ được điều chỉnh bổ sung. Doanh nghiệp có thể sửa đổi báo cáo tài chính đã tung ra trước đây vì một lý do nào đó. Tình huống này có thể xảy ra nếu các nhà đầu tư muốn đào sâu vào các chi phí cụ thể hơn bằng cách thêm các khoản thu nhập hoặc chi phí phát sinh một lần. Những khoản mục này rất có thể sẽ bị phớt lờ nếu nhà đầu tư không để ý. Điều này cho phép nhà đầu tư tiềm năng có được con số chính xác nhất về giá trị và tiềm năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn khái niệm này với việc thao túng giá trị EBITDA.

Một số yếu tố có thể được sửa đổi bao gồm:

  • Doanh thu từ các tài sản không cần thiết
  • Tiền lương hoặc tiền thưởng cho chủ sở hữu, có khả năng cao hơn so với lương thưởng của tất cả các nhân viên khác
  • Các khoản phí một lần như tranh chấp pháp lý hoặc các chiến dịch tiếp thị
  • Các chi phí phát sinh như chủ sở hữu không phải trả tiền thuê do sở hữu tòa nhà

Ưu nhược điểm của EBITDA

Ưu điểm:

  • Được sử dụng phổ biến: EBITDA được sử dụng bởi nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư, khiến đại lượng trở thành một loại từ vựng phổ biến trong giới kinh doanh.
  • Loại bỏ các biến số không hữu ích: EBITDA phản ánh chân thực về hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp bằng cách loại bỏ các chi phí bao gồm lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ.
  • Dễ tính toán: EBITDA dễ dàng xác định cũng như dễ kết hợp với các công thức khác, giúp tất cả các bên liên quan đều cảm thấy dễ hiểu.
  • Đáng tin cậy: Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng coi đây là một chỉ số đáng tin cậy hơn về sức khỏe tài chính của một công ty so với các chỉ số khác.

Nhược điểm:

  • Không bao gồm vốn lưu động: Phép tính EBITDA không đánh giá đến vốn lưu động và dòng tiền của công ty.
  • Mức khởi điểm không thống nhất: Mỗi công ty có thể sử dụng các số liệu lợi nhuận khác nhau để làm giá trị khởi điểm khi tính EBITDA.
  • Có thể xác định chưa đúng về giá trị doanh nghiệp: Một trong những nhược điểm lớn của EBITDA là đại lượng này có thể khiến doanh nghiệp trông rẻ hơn so với thực tế.
  • Có thể bị thao túng: Các công ty có thể thay đổi lịch trình khấu hao của họ để cố gắng xào nấu lợi nhuận và ghi nhận mức EBITDA có vẻ tốt hơn so với thực tế.
  • Không tuân theo Các nguyên tắc Kế toán được Chấp nhận Chung (GAAP): Điều này có nghĩa là các công ty có thể tính công thức theo cách riêng của họ.

Tầm quan trọng của việc xác định EBITDA

Một trong những lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp tính giá trị EBITDA là vì có nhiều nhà đầu tư hoặc người cho vay muốn mua hoặc cho một doanh nghiệp vay tiền để làm ăn. Để hưởng lợi từ đó, nhà đầu tư, bên cho vay hoặc bên thâu tóm phải hiểu rõ về EBITDA của công ty. Con số này giúp các nhà đầu tư xác định công ty đã kiếm được bao nhiêu trong một giai đoạn cụ thể và cho phép các tổ chức tài chính phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

EBITDA có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những tổ chức thâu tóm hoặc nhà đầu tư tiềm năng để những đối tượng này có được thông tin mà họ cần nhằm đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến