logo
z5238912614818_8c24178141054ae464cabec198840689-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 27/04/2024

Gia đình tỷ phú Tây Ban Nha tìm cách IPO công ty làm đẹp Puig

Gia đình Puig sắp đưa công ty cùng tên thuộc sở hữu lên sàn đại chúng, vì thế hệ tiếp theo sẽ không tham gia vào công việc điều hành của hãng sản xuất nước hoa nổi tiếng.

Gia đình tỷ phú Tây Ban Nha tìm cách IPO công ty làm đẹp Puig

Trong bốn ngày kỷ niệm 110 năm thành lập kể từ 1914, công ty sản phẩm làm đẹp lớn nhất Tây Ban Nha đã khánh thành trụ sở mới ở Barcelona với sự tham dự của Hoàng tử Felipe và tổ chức một bữa tiệc hoành tráng cho hơn 1.000 người tại khu phức hợp nghệ thuật mới lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, dấu ấn quan trọng hơn của cột mốc đó là chuyến đi của CEO Marc Puig, thành viên thuộc thế hệ thứ ba của gia đình sáng lập, đã cùng 50 nhân viên hàng đầu công ty ghé thăm Đại học Harvard - trường cũ của ông. Ở đó, họ đã vạch ra con đường phát triển cho công ty trong một case study được nêu ra bởi Krishna Palepu, giáo sư của trường, và một thành viên hội đồng quản trị lúc đó của Puig là Pedro Nueno.

Mười năm trôi qua, thành quả của kế hoạch phát triển công ty đã được thể hiện rõ. Với các thương hiệu nước hoa và thời trang nổi tiếng như Rabanne, Jean Paul Gaultier và Carolina Herrera, doanh thu của Puig đã tăng hơn gấp đôi và tập đoàn này chuẩn bị IPO trong đợt chào bán lớn nhất trong năm ở châu Âu.

Kế hoạch bán cổ phần của Puig diễn ra trong thời điểm công ty đang nỗ lực gia tăng vị thế trước các đại gia ngành hàng xa xỉ như LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton và Kering SA, trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, cho thấy Puig sẽ cần tiếp tục đầu tư để duy trì tăng trưởng và có thể phải chi lớn cho hoạt động mua lại, nếu muốn gia tăng thị phần.

Xavier Brun, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Trea Asset Management, người dự định mua cổ phiếu của công ty, cho biết: “Hành trình trong ngành hàng xa xỉ của Puig sẽ không hề dễ dàng… Mặc dù một số thương hiệu có tính độc quyền hơn của họ đang cạnh tranh với các hãng cao cấp, nhưng nhìn chung dòng nước hoa cổ điển hơn, như Carolina Herrera hay Rabanne, lại đang có phần thua kém”. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, “yếu tố sang trọng là điều đã thu hút chúng ta đến với cái tên này, ông nói.

Gia đình tỷ phú Tây Ban Nha tìm cách IPO công ty làm đẹp Puig

Vào ngày 18 tháng 4, công ty và gia đình Puig đã lên kế hoạch chi tiết, huy động khoảng 2,6 tỷ EUR (2,8 tỷ USD) trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, có thể mang lại cho tập đoàn giá trị thị trường lên tới 13,9 tỷ EUR, dựa trên các điều khoản mà Bloomberg được biết. Cổ phiếu của Puig sẽ được định giá từ 11 đến 15 lần lợi nhuận, thấp hơn mức trung bình 18 đến 22 lần của các công ty cùng ngành lâu đời hơn là L'Oreal và Estee Lauder, dựa trên phân tích của Bloomberg Intelligence. Công ty có kế hoạch sử dụng số tiền huy động được để tái cấp vốn cho các thương vụ mua lại gần đây, tài trợ cho sự phát triển của các thương hiệu và mở rộng danh mục đầu tư.

Vụ IPO sẽ đưa gia đình Puig vào hàng ngũ những gia đình giàu có nhất châu Âu, với khối tài sản lên tới 11,7 tỷ USD dựa trên mức cao nhất có thể đạt được trong phạm vi định giá IPO, theo Bloomberg Billionaires Index.

Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình với hơn 110 năm tuổi này. Hiện chỉ có hai thành viên trong gia đình - cả hai đều ở độ tuổi ngoài 60 - đang làm việc trong ban giám đốc, và thế hệ tiếp theo sẽ không tham gia vào hoạt động điều hành công ty. Điều đó đặt ra một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gia đình phải đối mặt: sự thay đổi thế hệ. Giai đoạn này đặt ra thách thức về mục tiêu bảo vệ thị phần khi số lượng người thừa kế tài sản của gia đình ngày càng tăng. Riêng thế hệ thứ ba của gia đình Puig đã có 14 người thừa kế.

Động thái này phản ánh nỗ lực của các công ty gia đình để tìm cách vừa chuyên nghiệp hóa vừa áp dụng các cơ cấu quản lý cứng nhắc hơn, tránh xung đột khi quyền sở hữu trở nên phân tán hơn. Jennifer Pendergast, giáo sư nghiên cứu các doanh nghiệp gia đình tại Kellogg School of Management của Đại học Northwestern, cho biết: “Thông thường, các gia đình sẽ hướng tới việc chỉ để một vài thành viên tham gia vào hội đồng quản trị, nhưng không ai đảm nhiệm vai trò CEO tại doanh nghiệp… Họ thường làm điều đó khi nhận ra rằng càng có nhiều thành viên trong gia đình thì chuyện này càng phức tạp và có thể tạo ra căng thẳng hoặc xung đột trong gia đình, vì vậy sẽ dễ dàng hơn nếu trong tương lai không cần thành viên gia đình (tham gia quản lý) vì không cần phải lo về việc chọn ra người nào”.

Gia đình tỷ phú Tây Ban Nha tìm cách IPO công ty làm đẹp Puig

Ngay cả trước khi công bố kế hoạch IPO, Puig đã bắt đầu thực hiện những thay trong doanh nghiệp do gia đình điều hành. Trong những năm gần đây, công ty đã nỗ lực làm cho hội đồng quản trị trở nên độc lập hơn: CEO Marc Puig và Phó Chủ tịch Manuel Puig, cả hai đều 62 tuổi, là những thành viên gia đình duy nhất trong hội đồng quản trị gồm 13 thành viên của công ty.

Trong những ngày đầu thành lập, Puig được điều hành hoàn toàn như một gia đình. Bốn người con trai của người sáng lập đã thảo luận về chiến lược công ty trong bữa trưa gia đình hoặc trong các kỳ nghỉ tại nhà nghỉ của gia tộc ở Vilassar de Dalt, ngoại ô Barcelona. Nhưng giờ đây, gia đình này bày tỏ mong muốn các thành viên chỉ là “những người chủ tốt”.

Công ty gia đình này thành lập tại Barcelona từ năm 1914, bởi người sáng lập Antonio Puig sau khi thất bại với hoạt động kinh doanh nhập khẩu. Chuyện kể rằng một chiếc tàu ngầm của Đức đã đánh chìm một con tàu chở hàng hóa không có bảo hiểm, đặt dấu chấm hết cho hoạt động kinh doanh buôn bán đó. Công ty mới của Antonio phân phối nước hoa, không lâu sau bắt đầu tự sản xuất dòng sản phẩm của riêng mình, bao gồm cả loại son môi đầu tiên được sản xuất tại Tây Ban Nha và nước hoa oải hương bán chạy nhất. Phần lớn tăng trưởng của công ty trong thế kỷ 20 đến từ các dòng nước hoa nhãn hiệu riêng có bản quyền. Vào những năm 50, thế hệ thứ hai do Antonio và Mariano Puig lãnh đạo, tập trung vào việc nâng cao hình ảnh và hoạt động tiếp thị của tập đoàn, đồng thời mở rộng ra nước ngoài, bao gồm cả thị trường Pháp, Mỹ và Anh.

Con đường trở nên gập ghềnh vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, khi trách nhiệm lèo lái tập đoàn chuyển giao sang cho Marc và Manuel Puig. Doanh thu giảm sút và một số lần ra mắt sản phẩm không thành công. Tình hình tài chính yếu đi, cùng với các vụ vi phạm nghĩa vụ tín dụng, đã buộc công ty phải tái cơ cấu hoàn toàn vào năm 2004. Được bổ nhiệm làm đồng giám đốc điều hành vào năm đó, hai anh em họ đã cắt giảm 1/5 số nhân viên, từ bỏ một số sản phẩm dành cho thị trường đại chúng như xà phòng và chất khử mùi để ưu tiên cho các sản phẩm thời trang và nước hoa, giúp Puig thoát khỏi tình trạng thua lỗ.

Gia đình tỷ phú Tây Ban Nha tìm cách IPO công ty làm đẹp Puig

Trong 13 năm qua, công ty đã xây dựng phần lớn danh mục đầu tư gồm 17 nhãn hiệu, chi 2,5 tỷ EUR cho hoạt động mua lại, bao gồm thương vụ với công ty nước hoa đình đám Thụy Điển Byredo và thương hiệu làm đẹp Charlotte Tilbury. Năm ngoái, tập đoàn này chứng kiến lợi nhuận tăng 33% lên 849 triệu EUR trên doanh thu 4,3 tỷ EUR.

Nỗ lực mua lại của Puig bắt đầu bằng một thỏa thuận mang tính thay đổi với nhà thiết kế Paco Rabanne vào năm 1968 để sản xuất và phân phối nước hoa của ông. Thỏa thuận này sau cùng cũng dẫn đến việc mua lại doanh nghiệp thời trang của Rabanne. Puig đã áp dụng chiến lược tương tự khi sử dụng thời trang để bán nước hoa, thông qua các thỏa thuận với Carolina Herrera, Nina Ricci và Jean Paul Gaultier trong những thập kỷ sau đó. Năm 2018, Puig đã mua phần lớn cổ phần của Dries Van Noten, một trong những công ty độc lập cuối cùng thuộc top đầu thị trường thời trang châu Âu, và sau đó tung ra dòng nước hoa và mỹ phẩm.

Công ty cũng đã dần chuyển giao từ việc bán các sản phẩm nhãn hiệu riêng, để tập trung vào sản phẩm của từng thương hiệu thuộc sở hữu tập đoàn. Theo triển vọng IPO của công ty, sự thay đổi hoàn toàn này đã đưa Puig trở thành công ty nước hoa lớn thứ tư thế giới trong thị trường nước hoa cao cấp và có tên tuổi lâu đời. Hai trong số các thương hiệu của Puig – Rabanne và Carolina Herrera – nằm trong số 10 thương hiệu nước hoa bán chạy nhất trên toàn cầu, theo EURmonitor.

Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trước những gã khổng lồ hàng xa xỉ của Pháp là LVMH và Kering, cả hai đều đang khai thác thị trường nước hoa cao cấp, có lợi nhuận cao. Puig lần đầu tiên tham gia thị trường này với thương vụ mua lại Penhaligon's và L'artisan Parfumeur hồi năm 2015.

Nhà phân tích Andrea Ferdinando Leggieri của Bloomberg Intelligence cho biết: “Đó là một thị trường mà quy mô đóng vai trò quan trọng… Khi mà các thương hiệu lớn càng đẩy mạnh mua lại thì càng khó để bắt kịp họ, nên tôi nghĩ bây giờ là thời điểm để Puig bắt kịp hoặc bị bỏ lại phía sau”.

Gia đình tỷ phú Tây Ban Nha tìm cách IPO công ty làm đẹp Puig

Năm ngoái, Kering được cho là đã trả 3,5 tỷ EUR cho thương hiệu nước hoa Creed, trong nỗ lực xây dựng bộ phận làm đẹp riêng dưới sự chỉ đạo của cựu giám đốc Estée Lauder. L'Oreal cũng đang đàm phán về khả năng mua cổ phần thiểu số của công ty nước hoa cao cấp Amouage của Oman, Bloomberg đưa tin vào ngày 4 tháng 4.

Linda Levy, chủ tịch tập đoàn thương mại Fragrance Foundation có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “LVMH, Kering, Richemont, đã nhận thấy trong vài năm qua rằng mặt hàng giúp tăng trưởng lợi nhuận thực sự là đồ trang sức, đồng hồ, túi xách và sắc đẹp… Danh mục cụ thể đó hoặc là đã thuộc nội bộ công ty, hoặc là các bộ phận được điều hành riêng, và điều tôi thấy trong bức tranh toàn cảnh là họ đang tìm cách để kinh doanh hiệu quả hơn. Đây sẽ là một sự thay đổi thú vị trong ngành”.

Hiện tại, ít nhất là Puig đang có lợi thế trong phân khúc chủ chốt của mình, Ann Gottlieb, một nhà chế tác nước hoa có tiếng tại New York, người đã làm việc nhiều với Puig, cho biết. “Về cơ bản, Puig luôn là một công ty hướng đến các sản phẩm nước hoa, thuần khiết và đơn giản; phần lớn các đối thủ cạnh tranh chỉ coi nước hoa là một phần của hoạt động kinh doanh rộng lớn hơn,” bà phân tích.

Với việc ngày càng có nhiều thương vụ mua lại đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của tập đoàn, định hướng tiếp cận nguồn vốn huy động từ các thị trường là giải pháp lý tưởng cho tập đoàn, Pendergast của Northwestern cho biết. Bà nhận định: “Bạn phát triển bằng cách mua lại các thương hiệu khác và đầu tư rất nhiều tiền vào hoạt động tiếp thị, quảng bá thương hiệu, vì vậy, để một gia đình có thể cấp vốn cho việc đó mà không có sự hỗ trợ từ thị trường đại chúng là điều khá khó khăn… Vì vậy, nếu họ vẫn kiểm soát được khả năng bầu hội đồng quản trị, chọn CEO và đồng thời mang về nguồn vốn giúp phát triển công ty thì sẽ là một điều cực kỳ có lợi. Bạn kết hợp được những điều tốt nhất của cả hai loại hình kinh doanh”.

Vân Anh-Theo bloomberg

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến

Gif-Trade.gif