Yên, đô la tăng, vàng giảm, dầu giảm, chứng khoán Mỹ mất điểm... cùng nhiều tin tức quan trọng khác. Cập nhật ngay các tin nóng đầu ngày cùng Investo.info
TIN TIÊU ĐIỂM
* FOREX: Yên, đô la tăng khi thị trường lo lắng trước phép thử dữ liệu bảng lương của Mỹ
* HÀNG HÓA: Vàng thấp nhất trong hơn một tuần do đô la tăng, dữ liệu bảng lương của Mỹ sắp công bố
* NĂNG LƯỢNG: Dầu giảm khoảng 5% khi cuộc tranh chấp Libya sắp kết thúc
* CỔ PHIẾU: Chứng khoán Mỹ giảm do lo ngại về tháng 9, dữ liệu sắp công bố
* TRÁI PHIẾU: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khi nhà đầu tư cân nhắc nỗi lo tăng trưởng giảm tốc
* LỊCH KINH TẾ 04/09/2024
Hai đồng tiền trú ẩn an toàn yên Nhật và đô la Mỹ vẫn tăng vào thứ Tư trong khi các loại tiền tệ rủi ro hơn như đồng bảng Anh và đô la Úc suy yếu do nhà đầu tư chạy trốn đến nơi an toàn sau đợt bán tháo tồi tệ nhất trong gần một tháng trên Phố Wall.
Xúc tác rõ ràng là một số dữ liệu sản xuất yếu của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một tình huống hạ cánh cứng đối với nền kinh tế, trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận dữ liệu bảng lương hàng tháng quan trọng vào thứ Sáu.
Đồng yên Nhật tăng khoảng 0,1% ở mức 145,325 yên đổi một đô la vào đầu phiên giao dịch tại châu Á (2249 GMT) sau khi tăng 1% qua đêm so với đồng đô la cũng tăng giá.
Đồng tiền của Mỹ đã đi ngang ở mức 1,1046 USD đổi một euro sau khi tăng 0,26% vào thứ Ba và ổn định ở mức 1,3111 USD so với đồng bảng Anh sau khi tăng 0,23%.
Đồng đô la Úc không thay đổi nhiều ở mức 0,67135 USD sau khi giảm 1,2% vào thứ Ba.
Rủi ro đối với kịch bản hạ cánh mềm đã thu hút sự chú ý trên thị trường gần đây, khiến các nhà giao dịch tăng xác suất đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bp) vào ngày 18 tháng 9 lên 38% từ mức 30% một ngày trước đó, theo công cụ FedWatch của CME Group.
“Thị trường đang lo lắng trước báo cáo bảng lương phi nông nghiệp rất quan trọng vào thứ Sáu, ... dữ liệu mà hầu hết những người tham gia thị trường thừa nhận sẽ là một yếu tố quan trọng, ít nhất là trong quyết định cắt giảm 25 hay 50 của FED”, Gavin Friend, chuyên gia chiến lược thị trường cấp cao tại ngân hàng National Australia Bank, cho biết.
“Tất cả những động thái đang diễn ra cho thấy một quan điểm tránh rủi ro và thiên về nơi trú ẩn an toàn, với các nhà đầu tư lùi lại một chút”.
Một thước đo hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng nhẹ vào tháng trước từ mức thấp nhất tám tháng vào tháng 7 trong bối cảnh việc làm được cải thiện. Tuy nhiên, dữ liệu hôm thư Ba cho thấy xu hướng tổng thể là hoạt động của các nhà máy vẫn tiếp tục bị hạn chế.
Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự kiến báo cáo ngày thứ Sáu sẽ cho thấy mức tăng 165.000 việc làm tại Mỹ trong tháng 8, tăng so với mức tăng 114.000 trong tháng 7.
Trước dữ liệu quan trọng này, dữ liệu việc làm mới vào thứ Tư và báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vào thứ Năm sẽ là tâm điểm chú ý.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần vào thứ Ba, chịu áp lực từ đồng đô la mạnh. Nhà đầu tư cũng đang chờ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ để có thể xác định quy mô cắt giảm tiềm năng trong cuộc họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang.
Giá vàng giao ngay đã giảm 0,4% xuống còn 2.490,44 USD/ounce tính đến 1:52 sáng theo giờ ET (1752 GMT). Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,2% xuống còn 2.523,00 USD.
Đồng đô la tăng 0,2%, đạt mức cao nhất trong hai tuần, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
“Chúng tôi thấy bằng chứng cho thấy vị thế đầu cơ vàng đã đạt đến mức tối đa ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ mức độ áp lực mà vàng đang chịu từ sự gia tăng của đồng đô la phản ánh quan điểm của chúng tôi về vị thế này”, Daniel Ghali, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết.
Trọng tâm sẽ là báo cáo dữ liệu bảng lương của Mỹ vào thứ Sáu, cùng với các khảo sát ISM, dữ liệu việc làm của JOLTS và báo cáo việc làm của ADP, đều sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Thị trường đang tính trong định giá xác suất 63% FED sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản (bps) khi họp vào ngày 17 và 18 tháng 9, với xác suất 37% FED sẽ cắt giảm 50 bps, công cụ FedWatch của CME cho thấy.
“Nếu báo cáo dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn đáng kể, suy đoán về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ và việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn sẽ quay trở lại, tiếp tục hỗ trợ vàng", Commerzbank cho biết trong một lưu ý.
Vàng thỏi đang hướng đến năm tốt nhất kể từ năm 2020, được thúc đẩy bởi sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng cắt giảm lãi suất sắp tới tại Mỹ cùng với những lo ngại dai dẳng về xung đột Trung Đông.
Vàng “vẫn là hàng rào phòng ngừa rủi ro địa chính trị và tài chính ưa thích của chúng tôi, với hỗ trợ bổ sung từ việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra của FED và hoạt động mua đang diễn ra tại các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi. Chúng tôi khuyến nghị mua vàng trong dài hạn”, Goldman Sachs cho biết.
Giá bạc giao ngay giảm 1,8% xuống 27,99 USD, giá bạch kim giảm 2,2% xuống 909,55 USD và giá palladium giảm gần 4% xuống 941,00 USD.
Giá dầu giảm gần 5% vào thứ Ba xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng do cuộc tranh chấp dẫn đến dừng sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Libya có dấu hiệu đạt được thỏa thuận giải quyết.
Giá dầu thô Brent giao sau đóng cửa giảm 3,77 USD, tương đương 4,9%, ở mức 73,75 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 12. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ, không được thanh toán vào thứ Hai do kỳ nghỉ lễ ngày Lao động của Mỹ, đã giảm 3,21 USD, tương đương 4,4%, xuống 70,34 USD/thùng - cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12.
Giá dầu Brent đóng cửa tuần trước giảm 0,3%, trong khi giá dầu WTI giảm 1,7%.
Các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ, một thông báo ký bởi đại diện của các cơ quan nước này cho biết vào thứ Ba.
Xuất khẩu dầu của Libya tại các cảng lớn đã bị dừng lại vào thứ Hai và sản lượng bị cắt giảm trên toàn quốc theo sáu kỹ thông báo với Reuters, tiếp tục tình trạng bế tắc giữa các phe phái chính trị đối địch về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ.
Ole Hansen, một nhà phân tích tại Ngân hàng Saxo Bank, cho biết suy đoán về một thỏa thuận đã kích hoạt việc bán tháo theo đà.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã tuyên bố bất khả kháng đối với mỏ dầu El Feel của mình từ ngày 2 tháng 9.
Tổng sản lượng đã giảm xuống chỉ còn hơn 591.000 thùng mỗi ngày (bpd) tính đến ngày 28 tháng 8 từ mức gần 959.000 thùng mỗi ngày vào ngày 26 tháng 8, NOC cho biết. Công ty cho biết sản lượng đã ở mức khoảng 1,28 triệu thùng mỗi ngày vào ngày 20 tháng 7.
Trước thông tin về khả năng nguồn cung của Libya có thể quay trở lại thị trường, giá dầu đã giảm do niềm tin nhu cầu đang suy yếu với tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Chỉ số PMI sản xuất yếu hơn dự kiến của Trung Quốc vào cuối tuần trước có thể làm gia tăng thêm mối lo ngại về hiệu suất của nền kinh tế Trung Quốc”, Charalampos Pissouros, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty môi giới XM, cho biết.
Hôm thứ Hai, Trung Quốc báo cáo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm lần đầu tiên sau tám tháng vào tháng 7 và giá nhà mới tăng với tốc độ yếu nhất năm nay trong tháng 8.
Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích thị trường tại Forex, cho biết hy vọng về khả năng mùa lái xe của Mỹ đẩy giá lên mức đỉnh năm 2024 vào mùa hè này cũng đã không thành hiện thực.
Giá xăng tương lai của Mỹ giảm gần 6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2021 với mùa lái xe mùa hè kết thúc ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu động cơ.
“Thực tế dữ liệu gần đây không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu ở Trung Quốc, Châu Âu hoặc Bắc Mỹ cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ không thắt chặt như dự kiến vài tháng trước”, Razaqzada cho biết.
Một số nguồn cung sẽ quay trở lại thị trường khi tám thành viên của OPEC và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10. Các nguồn tin trong ngành cho biết kế hoạch này có khả năng sẽ được thực hiện bất chấp lo ngại về nhu cầu.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông sau khi hai tàu chở dầu bị tấn công tại Biển Đỏ ngoài khơi Yemen hôm thứ Hai là không đủ để hỗ trợ giá. Các tàu chở dầu không bị thiệt hại lớn.
Chứng khoán Mỹ đã lao dốc vào thứ Ba, bắt đầu một trong những tháng có hiệu suất trung bình tồi tệ nhất trong lịch sử của thị trường, trước khi dữ liệu có khả năng ảnh hưởng đến mức độ cắt giảm lãi suất của FED.
Các chỉ số S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones đều ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 8 tính theo tỷ lệ phần trăm. Chín trên 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đã giảm điểm, dẫn đầu là sụt giảm trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng, dịch vụ truyền thông và vật liệu.
Tâm lý thị trường đã suy yếu khi dữ liệu hôm thứ Ba của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ vẫn ảm đạm mặc dù đã cải thiện khiêm tốn so với mức thấp nhất tám tháng của tháng 7 trong tháng 8.
Tháng 9 được coi là một trong những tháng tồi tệ nhất đối với hiệu suất thị trường chứng khoán dựa trên dữ liệu có từ những năm 1950, Jason Browne, chủ tịch của Alexis Investment Partners tại Montgomery, Texas cho biết.
“Chúng ta đã có một báo cáo ISM yếu công bố vào sáng nay, nhưng chúng tôi tin rằng tính mùa vụ là một yếu tố lớn ở đây, đặc biệt khi bạn đã có một hiệu suất vững chắc đến như vậy trong năm cho đến cuối tháng trước”, Browne cho biết.
“Mọi người đều đưa tin về việc tháng 9 là một tháng tồi tệ như thế nào, và điều đó có xu hướng tự thúc đẩy chính nó”.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn Magnificent Seven, dẫn đầu đợt tăng giá trong năm nay, đã giảm điểm. Cổ phiếu Nvidia giảm gần 10%, mất lượng vốn hóa kỷ lục 279 tỷ USD, đóng cửa phiên ở mức 2,65 nghìn tỷ USD. Đây là mức giảm giá trị thị trường trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty Mỹ.
Cổ phiếu Alphabet giảm 3,6%, Apple mất 2,7% và Microsoft giảm 1,8%. Chỉ số lĩnh vực bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor giảm 7,8%.
Chỉ số Dow giảm 626,15 điểm, tương đương 1,51%, xuống 40.936,93. S&P 500 giảm 119,47 điểm, tương đương 2,12%, xuống 5.528,93. Nasdaq Composite giảm 577,33 điểm, tương đương 3,26%, xuống 17.136,30.
Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi sợ của Phố Wall, đo lường kỳ vọng của thị trường về biến động của thị trường chứng khoán, tăng vọt 33,2% lên 20,72, mức tăng hàng ngày lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 8.
Nhà giao dịch đang chờ đợi một số báo cáo thị trường lao động trước dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 vào thứ Sáu.
Cuộc họp của FED vào ngày 17-18 tháng 9 sẽ được theo dõi chặt chẽ sau khi Chủ tịch Jerome Powell ủng hộ nới lỏng chính sách tiền tệ trong phát biểu gần đây.
Xác suất kỳ vọng cho mức cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là 63%, công cụ FedWatch của CME cho thấy, trong khi mức cắt giảm 50 điểm cơ bản có xác suất kỳ vọng 37%.
Cổ phiếu Tesla giảm 1,6% sau khi Reuters đưa tin hãng xe điện có kế hoạch sản xuất phiên bản sáu chỗ ngồi của mẫu xe Model Y tại Trung Quốc từ cuối năm 2025.
Cổ phiếu Boeing giảm 7,3% sau khi Wells Fargo hạ bậc xếp hạng cổ phiếu của hãng máy bay từ “cân bằng tỷ trọng” xuống “giảm tỷ trọng”.
Số lượng cổ phiếu giảm điểm nhiều hơn số lượng cổ phiếu tăng điểm với tỷ lệ 2,52:1 trên NYSE, nơi có 297 mức đỉnh mới và 83 mức đáy mới. Trên sàn Nasdaq, đã có 946 cổ phiếu tăng điểm và 3.315 cổ phiếu giảm điểm; số lượng cổ phiếu giảm điểm đã nhiều hơn số lượng cổ phiếu tăng điểm với tỷ lệ 3,5:1.
Khối lượng giao dịch trên khắp các sàn giao dịch của Mỹ đạt tổng cộng 12,14 tỷ cổ phiếu, tăng so với mức trung bình gần 11 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong 20 ngày gần nhất.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm vào thứ Ba khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động và nhà đầu tư đánh giá dữ liệu kinh tế.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm được giao dịch gần nhất ở mức 3,844% sau khi giảm gần 7 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm gần nhất đã giảm khoảng 5 điểm cơ bản xuống mức 3,877%.
Lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều nhau. Một điểm cơ bản bằng 0,01%.
Nhà đầu tư đã cân nhắc tình hình kinh tế và xem xét triển vọng lãi suất trong khi chờ đợi dữ liệu thị trường lao động quan trọng công bố trong tuần này.
Hai số liệu sản xuất công bố vào thứ Ba đã cho thấy dấu hiệu suy yếu, củng cố mối lo ngại về sự giảm tốc trong tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. S&P Global đã cho thấy sụt giảm từ tháng 7 đến tháng 8, trong khi Viện Quản lý Cung ứng báo cáo dữ liệu thấp hơn ước tính đồng thuận của Dow Jones.
Số liệu việc làm mới trong tháng 7, dữ liệu bảng lương khu vực tư nhân tháng 8 của ADP và các báo cáo việc làm tháng 8, bao gồm dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp mới nhất, đều sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các dữ liệu để tìm tín hiệu mới về triển vọng kinh tế. Tháng trước, báo cáo việc làm tháng 7 đã làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế và những câu hỏi về khả năng Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất, làm thị trường biến động.
Những lo ngại về suy thoái đã dịu đi kể từ đó, với tổng sản phẩm quốc nội quý II được điều chỉnh tăng từ mức tăng trưởng ban đầu 2,8% lên thành 3%.
Thị trường đang tính trong định giá xác suất 100% FED sẽ cắt giảm lãi suất khi họp vào ngày 18 tháng 9.
*Giờ Hà Nội (GMT+7)
Nguồn: Lịch kinh tế Investing