Trong phiên 18/4, giá vàng tăng trong bối cảnh tình hình căng thẳng kéo dài ở Trung Đông. Giá dầu tiếp tục lao dốc khi giới đầu tư xem xét số liệu kinh tế trái chiều của Mỹ, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran và căng thẳng giảm bớt ở Trung Đông.
Vào khoảng 0 giờ 47 phút sáng 19/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1% lên 2.384,83 USD/ounce. Giá kim loại quý này đã chạm mức cao kỷ lục là 2.431,29 USD/ounce trong phiên 12/4. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,4% lên 2.398 USD/ounce.
Tại khu vực Trung Đông, Israel đã phát đi tín hiệu sẽ trả đũa loạt tấn công từ Iran bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ các nước phương Tây.
Nhà phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins nhận định rằng, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, giá vàng có thể tăng lên mức 2.500-2.600 USD/ounce. Trong trường hợp có lệnh “đình chiến”, giá vàng có thể giảm xuống mức 2.200 USD/ounce.
Giá vàng đi lên bất chấp dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ không thay đổi, ở mức thấp trong tuần trước, chứng tỏ thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ. Tuy nhiên, một báo cáo khác cho thấy doanh số bán nhà hiện tại ở Mỹ đã giảm trong tháng 3/2024 do lãi suất và giá nhà cao hơn khiến người mua phải “đứng ngoài” thị trường này.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang cẩn thận hơn trong việc thảo luận về thời điểm cắt giảm lãi suất, khi Chủ tịch Jerome Powell ngày 16/4 đã báo hiệu rằng lãi suất của Fed có thể duy trì ở mức cao lâu hơn.
Lãi suất cao hơn làm giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng.
Nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China International (BOCI) cho biết do kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ Fed đang giảm xuống và hoạt động chốt lời tự nhiên xảy ra khi giá tăng nhanh, có thể sẽ có một số áp lực lên vàng, nhưng khó có khả năng làm vàng giảm mạnh.
Khép phiên 18/4, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 18 xu Mỹ (0,2%), xuống 87,11 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 4 xu Mỹ (0,1%) lên 82,73 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 27/3 trong ngày thứ hai liên tiếp. Trong phiên 17/4, dầu WTI cũng đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 27/3.
Khả năng phục hồi của thị trường lao động Mỹ, vốn đang thúc đẩy nền kinh tế, cùng với lạm phát tăng cao đã khiến các thị trường tài chính và một số nhà kinh tế dự đoán Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cho đến tháng 9/2024. Lãi suất thấp sẽ làm giảm chi phí đi vay và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.
Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, các quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương cho biết vẫn còn dư địa để ngân hàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cần có nỗ lực để ngăn chặn tiền mặt chảy tràn khắp hệ thống ngân hàng khi nhu cầu tín dụng thực sự yếu.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2024, nhưng một số chỉ số trong tháng 3, như đầu tư bất động sản, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp, cho thấy nhu cầu nội địa ở Trung Quốc vẫn còn yếu.
Các nhà phân tích tại JP Morgan nhấn mạnh, mức tiêu thụ dầu trên toàn thế giới tính đến tháng 4/2024 đã thấp hơn 200.000 thùng/ngày so với dự báo, xuống mức trung bình 101 triệu thùng/ngày. Kể từ đầu năm nay, nhu cầu đã tăng 1,7 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo hồi tháng 11/2024 là 2 triệu thùng/ngày.
Các nhà đầu tư cũng đang đánh giá thấp khả năng Israel sẽ trả đũa mạnh mẽ cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào ngày 13/4. Iran là nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và việc giảm bớt xung đột với Israel sẽ làm giảm khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.
Yến Anh