logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 19/02/2024

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMI

Được biến đến là một phiên bản nâng cấp của Stochastic, chỉ số SMI có thể đem đến cho nhà đầu tư rất nhiều thông tin về xu hướng và sức mạnh của thị trường. Vậy SMI là gì? Hãy cùng Investo tìm hiểu rõ hơn về khái niệm, cách tính toán, ý nghĩa và những nguyên tắc khi sử dụng SMI trong giao dịch nhé!

1. Chỉ số SMI (Stochastic Momentum Index) là gì ?

Chỉ số SMI - Stochastic Momentum Index là một phiên bản nâng cao của chỉ số Stochastic truyền thống. Nó được tính toán dựa trên các mức giá cao nhất và thấp nhất trong biên độ giá dao động, qua đó cung cấp tín hiệu quá mua/ quá bán và tín hiệu đảo chiều chính xác hơn.

Để đọc chỉ báo SMI, nhà đầu tư sẽ chú ý đến mức giá trị 0 trong phạm vi dao động giá, sau đó xét theo giá trị chỉ số SMI. Nếu SMI > +40, ta có thể xác nhận thị trường đang trong xu hướng tăng. Tương tự, trường hợp SMI < -40 thì thị trường đang trong xu hướng giảm.

Khi được sử dụng, chỉ báo SMI tạo ra hai đường là: đường SMI và đường Signal. Trong đó, đường SMI sẽ thể hiện đà tăng giá của tài sản. Còn, đường Signal chính là đường trung bình động trong chu kỳ 3 ngày của đường SMI (SMA 3).

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMITìm hiểu về chỉ số SMI - Stochastic Momentum Index trong phân tích kỹ thuật.

2. Cách tính chỉ số SMI

Chỉ số SMI được tính bằng mức chênh lệch giữa giá đóng cửa hiện tại so với phạm vi giá trung bình trong một khoảng thời gian xác định, sau đó chia cho giá trị tuyệt đối của phạm vi giá trung bình và nhân với 100. 

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMI

Công thức tính chỉ số SMI.

Trong đó: 

  • L là mức giá thấp nhất trong các khoảng thời gian.
  • H là mức giá cao nhất trong các khoảng thời gian.
  • M là ký hiệu của mức giá trung bình nằm trong khoảng thời gian được tính toán.

Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra các bước tính toán SMI để bạn đọc có được cái nhìn cụ thể nhất về chỉ báo dao động này.

  • Bước 1: Xác định mức giá cao nhất (H) và mức giá thấp nhất (L) trong một khoảng thời gian cố định.
  • Bước 2: Tính toán sự chênh lệch giữa giá đóng cửa (C) và giá trung bình của khoảng thời gian đó (M). Ta có: M = (H + L) / 2.
  • Bước 3: Tính toán sự chênh lệch giữa giá đóng cửa (C) và giá trung bình của các khoảng thời gian liền trước (M1). Ta có: M1 = (H1 + L1) / 2. Trong đó, H1 và L1 là mức giá cao nhất và thấp nhất nằm trong khoảng thời gian liền trước.
  • Bước 4: Tính toán sự chênh lệch giữa giá đóng cửa (C) và giá trung bình của các khoảng thời gian liền trước nữa (M2). Ta có: M2 = (H2 + L2) / 2. Trong đó, H2 và L2 là mức giá cao nhất và thấp nhất nằm trong khoảng thời gian được tính toán.
  • Bước 5: Tính toán giá trị SMI dựa trên công thức. Ta có: SMI = 100 * (M - M1) / (M2 - M1).

3. Ý nghĩa của chỉ số SMI

SMI giúp xác nhận xu hướng

Dựa trên giá trị của đường SMI, nhà đầu tư có thể xác nhận rằng thị trường đang trong xu hướng tăng giá hay giảm giá. 

  • Tín hiệu tăng giá được xác nhận khi đường SMI dao động ở trên mức +40.
  • Tín hiệu giảm giá được xác nhận khi đường SMI dao động ở dưới mức -40.

Tuy nhiên, chỉ báo SMI không thể xác nhận rằng các xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu. Do đó, nhiều nhà đầu tư thường sử dụng SMI cùng với một số chỉ báo kỹ thuật khác để nhận được các tín hiệu rõ ràng hơn.

SMI giúp xác định tín hiệu quá mua/ quá bán

Chỉ báo Stochastic có thể xác nhận các khu vực quá mua và quá bán dựa trên sự chuyển động của đường SMI và đường Signal. Trong đó: 

  • Tín hiệu quá mua: Tín hiệu quá mua được xác nhận khi đường SMI và đường Signal di chuyển lên cao và vượt qua mức +75 của phạm vi dao động.
  • Tín hiệu quá bán: Tín hiệu quá bán được xác nhận khi đường SMI và đường Signal di chuyển xuống dưới và vượt xuống thấp hơn mức -75 của phạm vi dao động. 

Nếu xác nhận tín hiệu quá mua hay quá bán, nhà đầu tư cần bình tĩnh và tránh giao dịch ngay lập tức. Bởi khả năng thị trường sẽ nhanh chóng đảo chiều trong thời gian tới. Vì vậy, bạn cần chờ đợi một tín hiệu xác nhận xu hướng tiếp theo để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của đợt đảo chiều.

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMIStochastic Momentum Index giúp xác định vùng quá mua/ quá bán.

SMI giúp tìm kiếm xu hướng đảo chiều

Thông thường, xu hướng đảo chiều sẽ xảy ra sau khi thị trường xác nhận các tín hiệu quá mua và quá bán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng có thể dựa vào sự giao cắt giữa hai đường SMI và đường Signal để xác nhận các tín hiệu này. 

  • Tín hiệu đảo chiều tăng: Nhà đầu tư có thể xác nhận thị trường chuẩn bị đảo chiều để tăng giá khi nhận thấy đường SMI cắt lên trên đường Signal ở dưới vùng xác nhận xu hướng giảm.
  • Tín hiệu đảo chiều giảm: Tương tự như trên, nhà đầu tư có thể xác nhận tín hiệu đảo chiều tăng khi nhận thấy đường SMI cắt xuống phía dưới đường Signal ở trong vùng xác nhận xu hướng tăng.

Bạn có thể theo dõi biểu đồ dưới đây để hiểu rõ hơn về các xác nhận tín hiệu đảo chiều dựa vào chỉ báo SMI.

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMISử dụng SMI để xác nhận các tín hiệu đảo chiều từ thị trường.

4. So sánh SMI và Stochastic

Tiêu chí

Chỉ báo SMI

Chỉ báo Stochastic

Công thức tính toán

SMI được tính bằng mức giá đóng cửa hiện tại và giá trị trung bình của phạm vi giá tối đa và tối thiểu trong một khoảng thời gian cụ thể.

Chỉ số Stochastic Oscillator được tính bằng mức giá đóng cửa hiện tại và biên độ di chuyển của giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Phạm vi

Chỉ số SMI được thể hiện trong phạm vi giá trị từ -100 đến +100.

Chỉ số Stochastic được thể hiện trong phạm vi giá trị từ 0 đến 100.

Hiển thị

Chỉ số SMI được hiển thị với hai đường dao động là đường SMI và đường Signal (SMA 3 của SMI).

Chỉ số Stochastic truyền thống thường được biểu thị bằng đường %K (chỉ số chính) và đường %D (đường trung bình động của %K).

Trên thực tế, chỉ báo SMI và Stochastic có cách tính toán và xác nhận các tín hiệu gần như tương đồng với nhau. Cụ thể, chúng đều được tính toán dựa trên mức giá đóng cửa so với biên động giá dao động, cùng lúc đó cả hai đều có kết hợp với đường trung bình động hàm mũ (EMA) để giúp đánh giá xu hướng thị trường.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa SMI và Stochastic là mức độ nhạy cảm trước thị trường của chỉ báo. Trong đó, đường SMI được tính toán dựa trên mức giá đóng cửa với điểm chính giữa của biên độ giá dao động. Chính vì vậy, SMI sẽ có nhạy cảm hơn trước các biến động và hạn chế được nhiều tín hiệu nhiễu từ thị trường. 

Trong biểu đồ dưới đây, ta có thể thấy rõ rằng chỉ báo SMI đưa ra các tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường khi so với chỉ báo Stochastic cơ bản.

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMIChỉ báo SMI đưa ra các tín hiệu chính xác hơn khi đặt cạnh đường Stochastic.

5. Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số SMI

Ưu điểm:

  • Độ trễ thấp: Mặc dù được coi là một chỉ báo chậm giống như Stochastic, tuy nhiên tín hiệu từ SMI vẫn có khả năng theo sát xu hướng và không bị quá trễ so với các diễn biến từ thị trường. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm kiếm các tín hiệu giao dịch dựa trên chỉ báo này.
  • Độ chính xác cao: Chỉ báo SMI được tính toán dựa trên những thông tin đã được xác nhận từ thị trường, nó bao gồm mức giá đóng cửa và biên độ giá dao động. Chính vì vậy, các đánh giá từ SMI luôn có độ chính xác cao và tránh được khỏi các tín hiệu nhiễu. Điều này còn được thể hiện rõ ràng hơn khi so sánh SMI với chỉ báo Stochastic truyền thống.

Nhược điểm 

  • Không có khả năng dự đoán: Chỉ báo SMI có khả năng đánh giá chính xác xu hướng thị trường ở thời điểm hiện tại. Nhưng nó lại không thể đưa ra các dự đoán về xu hướng trong tương lai.
  • Ít tín hiệu: Chỉ báo SMI chỉ có thể xác nhận các tín hiệu quá mua/ quá bán và tín hiệu đảo chiều, chứ không có khả năng xác nhận các tín hiệu vào lệnh. 
  • Bị hạn chế khi thị trường đang trong xu hướng: Tương tự như Stochastic, chỉ báo SMI cũng bị hạn chế khi phải hoạt động trong một thị trường có xu hướng tăng hoặc giảm dài hạn. Chính vì vậy, SMI là công cụ được khuyến khích sử dụng trong các thời điểm thị trường có nhiều biến động hơn.

6. Một số nguyên tắc khi sử dụng SMI trong giao dịch

  • Chú ý đến xu hướng của thị trường khi sử dụng SMI: Chỉ báo SMI có thể cung cấp rất nhiều tín hiệu chính xác về động lượng giá và các xu hướng đảo chiều. Tuy nhiên, nó gần như vô dụng khi được sử dụng trên một thị trường có xu hướng tăng hoặc giảm dài hạn. Bởi, các tín hiệu giao dịch từ SMI đều cần sự xác nhận giữa hai đường SMI và đường Signal.
  • Hạn chế sử dụng SMI riêng lẻ: Như bạn đã biết, chỉ báo SMI chỉ có thể cung cấp các tín hiệu giao dịch trong các xu hướng đặc biệt với mức biến động mạnh. Do đó, việc sử dụng một mình chỉ số SMI để giao dịch là khá lãng phí. Bạn có thể kết hợp chỉ báo này với nhiều công cụ giao dịch khác để tận dụng tối đa những lợi thế mà SMI mang lại.

7. Cách sử dụng SMI trong giao dịch

  • Điểm quá mua / quá bán: Như đã đề cập ở trên, giá trị của chỉ số SMI được hiển thị trong phạm vi từ -100 đến 100. Khi đường SMI > +75, nó cho thấy thị trường đang chạm mức quá mua và có thể giảm theo xu hướng ngược lại. Tương tự, khi đường SMI < -75, nó cho thấy thị trường đang chạm ngưỡng quá bán và sẽ có khả năng đảo chiều để tăng giá trở lại.
  • Giao điểm của 2 đường SMI và Signal: Hai đường SMI và đường Signal thường giao cắt nhau trong các thời điểm hồi giá hoặc giá chuẩn bị đảo chiều mạnh mẽ. Dựa trên nguyên tắc này, nhà đầu tư có thể tận dụng chỉ báo SMI để tìm kiếm các điểm giao dịch tối ưu nhất.
  • Phân kỳ SMI: Đây là tín hiệu ít phổ biến nhất, nhưng lại có thể đem lại hiệu quả giao dịch rất cao cho nhà đầu tư. Cụ thể:
    • Khi giá của một sản phẩm vừa đóng với một mức đỉnh cao hơn, tuy nhiên SMI lại đưa ra chỉ số không tương ứng. Điều này gây ra tín hiệu phân kỳ SMI và nhà đầu tư cần chuẩn bị cho một xu hướng đảo chiều mới. 
    • Ngược lại, khi giá đóng cửa với một mức đáy mới, nhưng chỉ báo SMI không thể hiện các tín hiệu ngược lại hoặc có sự tăng nhẹ. Đây cũng có thể coi là tín hiệu phân kỳ tăng mà nhà đầu tư có thể tận dụng.

8. Những hạn chế và rủi ro khi sử dụng chỉ số SMI

Được biết đến là một phiên bản nâng cấp của chỉ báo Stochastic truyền thống, chỉ báo SMI sở hữu rất nhiều ưu điểm về độ chính xác cao và khả năng tương thích tốt trước nhiều xu hướng thị trường. Tuy nhiên, chỉ báo này vẫn có một số hạn chế lớn, ví dụ như:

  • Tín hiệu của SMI không được đánh giá cao khi hoạt động riêng lẻ. 
  • Chỉ báo SMI cung cấp tín hiệu quá mua/ quá bán và tín hiệu đảo chiều nhưng không thể xác nhận tín hiệu giao dịch.
  • SMI không sử dụng được trên thị trường có xu hướng dài hạn.
  • SMI không có khả năng đưa ra dự báo về xu hướng sắp tới.

SMI là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc sử dụng chỉ số SMISMI bị hạn chế khi sử dụng trong thị trường có xu hướng tăng hoặc giảm dài hạn.

9. Kết luận

Chỉ số SMI được biết đến là một trong những phiên bản nâng cấp của chỉ báo Stochastic truyền thống. Việc sử dụng SMI trong phân tích kỹ thuật và giao dịch có thể đem lại cho nhà đầu tư rất nhiều lợi thế lớn. Tuy nhiên, hãy chú ý đến các đặc điểm còn hạn chế của SMI để tránh khỏi những rủi ro không đáng có. Investo mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn giao dịch hiệu quả hơn với công cụ này.

Phương Sơn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến