Định nghĩa:
Hệ số nguy cơ phá sản (Z score) là một con số cho biết khoảng chênh lệch của một điểm dữ liệu so với trị trung bình của tất cả các điểm dữ liệu trong một tập hợp mẫu nhất định.
Trên lý thuyết, Hệ số nguy cơ phá sản Z score có thể được tính bằng cách sử dụng tập hợp điểm dữ liệu bất kỳ để so sánh một điểm dữ liệu với trị trung bình của cả tập hợp. Ví dụ, bạn có thể sử dụng phép tính Z score để so sánh sải tay của LeBron James với sải tay trung bình của tất cả các cầu thủ NBA. Hoặc, bạn có thể so sánh giá cổ phiếu của một công ty nào đó với giá cổ phiếu trung bình của một tập hợp nhiều công ty, chẳng hạn như tập hợp chỉ số S&P 500. Về mặt toán học, Z score sẽ cho bạn biết điểm dữ liệu đang xét cách biệt bao nhiêu độ lệch chuẩn so với mức trung bình. Dưới đây là công thức được sử dụng để tính Z score:
Trong giới tài chính và đầu tư, Z score thường được gọi là Hệ số nguy cơ phá sản Altman (Altman Z-score), có tác dụng đo lường với mục đích nhất định. Altman Z-Score, một hệ số được đặt theo tên của người sáng tạo là Edward Altman, được sử dụng để xác định khả năng phá sản của doanh nghiệp, thường là liên quan đến một nhóm các công ty tương tự hoặc cùng ngành. Altman Z-score là một trong nhiều chỉ số đo lường sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Công thức tính Altman Z-score là một biến thể phức tạp hơn so với công thức gốc, sử dụng nhiều chỉ số tài chính như vốn lưu động và EBIT. Công thức Altman Z-score được trình bày như sau:
Nếu Altman Z-score của một công ty lớn hơn 3, thì công ty đó ít có khả năng bị phá sản. Một công ty có Altman Z-score dưới 1,8 thì được coi là có nguy cơ phá sản trong vòng hai năm. Điểm từ 1,8 đến 3 được coi là một vùng giao thoa, khi đó mức điểm càng gần giá trị 1,8 hơn thì được coi là có nguy cơ phá sản cao hơn, trong khi những mức điểm càng gần giá trị 3 hơn thì được coi là có rủi ro thấp hơn. Mặc dù Altman Z-score được nhiều người sử dụng dưới dạng chỉ báo sức khỏe của doanh nghiệp, nhưng hãy nhớ rằng đại lượng này không đảm bảo liệu công ty đó có tuyên bố phá sản hay không.
Ví dụ
Giả sử công ty hư cấu ABC có các số liệu sau đây được trích từ báo cáo tài chính:
Doanh số: 2 triệu USD,
EBIT: 1 triệu USD
Tổng tài sản: 4 triệu USD
Giá trị sổ sách của tổng nợ phải trả: 2 triệu USD
Lợi nhuận giữ lại: 2 triệu USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 6 triệu USD
Vốn lưu động: 1 triệu USD.
Vì Altman Z-score của ABC lớn hơn 3, nên công ty này sẽ khó có khả năng nộp đơn phá sản.
Hãy tưởng tượng hệ số nguy cơ phá sản Altman (Altman Z-score) cũng giống như cholesterol vậy…
Đây là một trong số các chỉ số đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim, cùng với nhiều yếu tố khác, như huyết áp và tiền sử bệnh từ gia đình. Mặc dù chỉ số này không thể dự đoán chắc chắn rằng bạn có mắc bệnh tim hay không nhưng những người có cholesterol cao được coi là có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những người có mức cholesterol thấp hơn.
Z score có tác dụng đánh giá một điểm dữ liệu trong một nhóm nhiều điểm dữ liệu (chẳng hạn như điểm kiểm tra, điểm tín dụng, thu nhập ròng, lợi nhuận, doanh thu ...) và đo lường mức chênh lệch giữa điểm dữ liệu đang xét so với trị trung bình của cả nhóm. Z score có thể giúp bạn xác định các giá trị thống kê ngoại lai (outlier) hoặc một thành viên nổi bật của một nhóm nào đó so với mặt bằng chung của toàn nhóm.
Như trong công thức trên, hệ số nguy cơ phá sản Altman được tính bằng cách sử dụng một loạt các chỉ số tài chính trong báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Giáo sư tài chính Edward Altman của trường NYU ban đầu sáng tạo ra công thức này để xác định khả năng phá sản của một công ty sản xuất có khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên. Kể từ lần công bố ban đầu, giáo sư Altman đã sửa đổi công thức để có thể áp dụng cho các công ty trong nhiều ngành nghề khác nhau và cho những công ty có tài sản dưới 1 triệu USD.
Cách tính hệ số nguy cơ phá sản Altman (Altman Z-score)
Hệ số nguy cơ phá sản Altman (Altman Z-score) thoạt nhìn có vẻ hơi phức tạp, nhưng nguyên lý tính toán cũng khá đơn giản nếu bạn có sẵn các thông số cần thiết. Hãy xem các thông số thành phần đó như những con số giúp phản ánh giá trị tài sản và chi phí của một công ty. Bạn có thể tìm thấy chúng trong bảng cân đối kế toán hoặc báo cáo kết quả kinh doanh của công ty đang quan tâm. Dưới đây là các thành phần bạn sẽ cần để tính Altman Z-score và ý nghĩa của mỗi thành phần đó:
Vốn lưu động: Đây là giá trị còn lại sau khi lấy tài sản lưu động trừ đi các khoản nợ hiện tại.
Lợi nhuận giữ lại: Đây là thu nhập ròng mà công ty còn lại sau khi chia cổ tức cho các cổ đông.
Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT): Đây là số tiền lợi nhuận trước khi trả lãi và thuế. Giá trị vốn hóa thị trường: Đây là tổng giá trị vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp.
Giá trị sổ sách của tổng nợ phải trả: Đây là tổng giá trị của các khoản nợ phải trả được ghi nhận trong báo cáo tài chính (hay còn gọi là “sổ sách” kế toán), bao gồm các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty. Doanh số: Đây là tổng doanh số bán hàng của một công ty trong một khoảng thời gian nhất định.
Tổng tài sản: Chỉ số này là tổng mức giá trị tài sản của một công ty (chẳng hạn như các khoản phải thu, các khoản đầu tư, v.v.).
Nếu những công thức và định nghĩa trên quá rườm rà đối với bạn thì đừng lo, các công cụ trên Internet sẽ dễ dàng hỗ trợ cho bạn. Các loại náy tính trực tuyến có thể giúp bạn tính ra Z score, và bạn chỉ cần đơn giản nhập liệu các con số cần thiết. Bạn cũng có thể thiết lập công thức tính trong Excel. Ví dụ:
Trong Excel, cách đơn giản nhất để thiết lập phép tính Altman Z-score là tạo ra một ô cho mỗi biến. Sau đó, thiết lập một ô cho mỗi công thức chứa các biến đó, và nhớ liên kết đến ô nhập dữ liệu cho mỗi công thức. Các ô công thức sẽ lần lượt là 1,2(vốn lưu động/tổng tài sản), 1,4(lợi nhuận giữ lại/tổng tài sản), 3,3 (lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT)/tổng tài sản), 0,6 (giá trị vốn hóa thị trường/giá trị sổ sách của tổng nợ phải trả) và 1,0 (doanh số/tổng tài sản). Sau đó, thiết lập một ô cuối cùng để kết hợp lại từng ô công thức vừa nêu với nhau.
Cách đọc kết quả Z score
Altman Z-score có một thang điểm dùng để đo lường kết quả. Mức điểm từ 3 trở lên cho thấy công ty là an toàn, khó có nguy cơ đệ đơn phá sản. Điểm từ 1,81 đến 3 cho thấy công ty có khả năng phá sản vào một thời điểm nào đó. Điểm dưới 1,81 cho thấy công ty có thể sẽ sớm nộp đơn phá sản (trong vòng 2 năm).
Về mặt thống kê, thực tế không có thang điểm chuẩn nào để đọc kết quả hệ số nguy cơ phá sản Z score. Thay vào đó, Z score chỉ cho bạn biết điểm dữ liệu đang xét cách biệt bao xa so với mặt bằng chung, mà điều đó có nghĩa là kết quả diễn giải cũng sẽ tùy thuộc vào tập hợp dữ liệu mà bạn dùng để phân tích.
Đối với Z score tiêu chuẩn, Z score âm chỉ đơn giản là con số đang xét giảm xuống dưới mức trung bình của nhóm dữ liệu.
Tùy thuộc vào nhóm dữ liệu mà bạn đang nghiên cứu, Z score âm có thể là một dấu hiệu tốt hoặc không tốt. Ví dụ, nếu bạn đang đánh giá mức nợ của một công ty so với mức trung bình của một nhóm nào đó thì Z score âm có nghĩa là công ty đó có ít nợ hơn mặt bằng chung của cả nhóm, và điều này là một tín hiệu tốt. Nhưng thay vào đó, nếu bạn đang đánh giá doanh thu mà Z score âm thì có nghĩa là công ty có doanh thu ít hơn mức trung bình của cả nhóm, điều này không hề tốt tí nào.
Sự khác biệt giữa Z score và độ lệch chuẩn
Trong khi Z score cho thấy mức cách biệt thực tế của một điểm dữ liệu cụ thể so với giá trị trung bình của cả nhóm, thì độ lệch chuẩn cho biết khoảng cách trung bình đến giá trị trung bình. Nói một cách chính xác hơn, Z score cho bạn biết điểm dữ liệu đang xét cách bao nhiêu độ lệch chuẩn so với mức trung bình.
Z score có nhiều mục đích sử dụng trong thế giới thực. Chẳng hạn, các nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về động vật hoang dã có thể sử dụng Z score để nghiên cứu về đàn ngựa vằn. Hay nhà nghiên cứu bệnh học có thể sử dụng Z score để phân tích dữ liệu từ bộ sưu tập các mẫu máu. Ngoài ra có một ứng dụng phổ biến khác của Z score là dùng để đánh giá các khoản vay ngân hàng. Ví dụ, bên cho vay có thể sẽ so sánh tỷ lệ thu nhập trên nợ của bạn với tỷ lệ thu nhập trên nợ trung bình của một nhóm người để xác định độ uy tín của bạn.
Mặc dù Z score có thể là một công cụ hữu ích để so sánh một điểm dữ liệu với trị trung bình, nhưng chúng có một số điểm hạn chế mà bạn nên biết. Lấy ví dụ như Altman Z-score. Hạn chế lớn nhất ở đây là Altman Z-score không thể dự đoán chắc chắn liệu một công ty có nộp đơn phá sản hay không. Đại lượng này chỉ có thể cho bạn biết điểm thống kê của một công ty so với điểm của những công ty khác.
Thiên tai và các sự kiện bất ngờ cũng có thể làm lệch giá trị Altman Z score. Ví dụ, công ty ABC phát sinh mức lỗ lớn (khoản mục chỉ xảy ra một lần) do hỏa hoạn hoặc nếu quốc gia mà ABC triển khai công ty con xảy ra biến động chính trị đột ngột thì có thể ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng, tài sản và các khoản nợ phải trả của công ty đó. Số liệu Z score nếu được trong một khoảng thời gian xảy ra biến cố bất thường thì có thể khiến một công ty ổn định trông có vẻ như rơi vào thảm cảnh khó khăn nghiêm trọng.
Altman Z score cũng rất dễ bị tính toán sai. Nếu một công ty công bố các bản báo cáo tài chính với dữ liệu sai lệch thì Z score sẽ cung cấp một bức tranh không chính xác về tình hình tài chính của công ty đó. Trường hợp này cũng sẽ xảy ra nếu các thông số không được nhập liệu chính xác do lỗi phát sinh trong tính toán. Số liệu đầu vào sai thì kết quả cũng sẽ sai.
Cuối cùng, nếu bạn đang muốn phân tích tình hình hoạt động của một công ty mới thì Altman Z score có thể sẽ không hữu ích cho lắm. Kết quả tài chính của một công ty mới có thể sẽ biến động nhiều hơn, họ có thể có quỹ dự trữ nhỏ hơn và có chu kỳ tín dụng ngắn hơn hoặc dài hơn so với một công ty đã trưởng thành. Trong khi đó, công thức tính Altman Z score lại không bao hàm những yếu tố này.
Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com