logo
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 16/04/2022

Investo đầu tư 101 - Lợi thế kinh tế nhờ quy mô là gì?

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô là khi một công ty có thể tạo ra một đơn vị sản phẩm với ít chi phí hơn khi sản lượng tăng lên.

investo - scale - 220416

Hiểu về lợi thế kinh tế nhờ quy mô

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô là khi chi phí trung bình để tạo ra một đơn vị sản phẩm giảm xuống khi một công ty mở rộng sản xuất. Lợi thế kinh tế nhờ quy mô có thể là kết quả của những thay đổi bên trong hoặc bên ngoài của một công ty. Lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên trong công ty có thể xảy ra khi một doanh nghiệp nâng cấp công nghệ hoặc tìm kiếm lao động rẻ hơn. Lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên ngoài công ty có thể xảy ra khi vật liệu trở nên rẻ hơn hoặc chi phí vận chuyển của một công ty giảm xuống do đường xá được cải thiện. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Chi phí trung bình cho mỗi đơn vị sản phẩm cũng có thể tăng lên do những thay đổi bên trong hoặc bên ngoài công ty – trường hợp này được gọi là bất lợi kinh tế do quy mô. Một trường hợp khác, chi phí để sản xuất mỗi đơn vị sản phẩm có thể không đổi khi sản lượng tăng lên. Chúng ta gọi đó là lợi nhuận không đổi theo quy mô.

VÍ DỤ

Henry Ford là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về người đã tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô thông qua chuyên môn hóa và sản xuất hàng loạt. Chiếc Ford Model T đầu tiên của ông đã quá đắt cho một người bình thường. Ford đã phát minh ra máy móc để chế tạo các bộ phận với số lượng lớn, nhưng ông cũng cần phải lắp ráp xe nhanh hơn. Bằng cách điều chỉnh dây chuyền lắp ráp đang chuyển động – vốn chỉ được sử dụng trong sản xuất lương thực vào thời điểm đó – ông đã tăng sản lượng trong tương quan với chi phí lao động. Bằng cách sản xuất nhiều ô tô hơn trong thời gian ngắn hơn, ông đã tạo ra một lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Sau đó, ông đã có thể bán Model Ts với giá thấp hơn, và dây chuyền lắp ráp di chuyển của ông đã thay đổi ngày sản xuất mãi mãi.

Bài học rút gọn

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô giống như mua sắm tại Costco ...

Bạn có thể mua nhiều hơn cùng một lúc để nhận được giá thấp hơn cho từng món. Bạn cũng tăng hiệu quả của mình bằng cách tiết kiệm xăng và thời gian cho những chuyến đi thường xuyên đến cửa hàng. Các công ty lớn hơn có khả năng mua nguyên liệu với số lượng lớn hoặc đầu tư vào máy móc tốt hơn để có thể sản xuất nhiều sản phẩm hơn với chi phí thấp hơn trong dài hạn. Nếu bạn có đủ khả năng để mua hàng tạp hóa với số lượng lớn, bạn có thể tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô của riêng mình. Đây là cách có nhiều tiền có thể giúp bạn tiết kiệm tiền.

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô là gì?

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô là khi một công ty có thể sản xuất nhiều sản phẩm hơn với chi phí trung bình trên mỗi đơn vị sản phẩm thấp hơn trong dài hạn. Với lợi thế kinh tế nhờ quy mô, khi sản lượng của một công ty tăng lên, chi phí để tạo ra mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm xuống.

Các công ty lớn thường có lợi thế cạnh tranh (tức là những điều kiện cho phép một công ty hoạt động kinh doanh tốt hơn các đối thủ của mình). Những công ty này có thể tiết kiệm tiền bằng chiết khấu khi mua nguyên vật liệu với số lượng lớn hoặc đầu tư vào robot cho dây chuyền lắp ráp sản phẩm. Khoản đầu tư ban đầu đúng là có thể làm tăng chi phí trả trước. Nhưng về lâu dài, công ty sẽ tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tạo ra nhiều sản phẩm hơn với chi phí thấp hơn.

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô ảnh hưởng đến chi phí sản xuất như thế nào?

Mọi công ty đều có chi phí cố định (chi phí không phụ thuộc vào số lượng hàng hóa được sản xuất), chẳng hạn như tiền thuê mặt bằng, cơ sở sản xuất và tiền mua thiết bị. Chi phí cố định không đổi cho dù một công ty sản xuất bao nhiêu sản phẩm. Nếu một công ty có thể tăng số lượng sản phẩm mà họ tạo ra thì những chi phí cố định đó sẽ được dàn trải trên nhiều đơn vị hàng hóa hơn, giúp giá trung bình để tạo ra một đơn vị sản phẩm giảm xuống thấp hơn.

Một ví dụ đơn giản của trường hợp này là một tiệm bánh thay thế một công nhân lười biếng chỉ có thể làm 5 chiếc bánh mỗi ngày bằng một công nhân năng nổ có thể làm được 10 chiếc bánh mỗi ngày. Chi phí cố định của thợ làm bánh – tiền công của một nhân viên toàn thời gian và tiền thuê tiệm bánh – không thay đổi, nhưng số lượng bánh đã tăng lên. Vì chi phí cố định được phân bổ cho nhiều bánh hơn nên chi phí làm mỗi chiếc bánh sẽ thấp hơn.

Các công ty cũng có chi phí biến đổi, tức là chi phí tăng và giảm cùng với sản lượng. Nếu một công ty muốn sản xuất nhiều sản phẩm hơn, họ phải mua thêm nguyên liệu và linh kiện để sản xuất chúng, điều này làm tăng chi phí biến đổi.

Nếu một tiệm bánh hiện đang làm 10 chiếc bánh thay vì 5 chiếc bánh mỗi ngày, họ sẽ phải mua gấp đôi lượng bột mì, trứng và các nguyên liệu khác mà họ cần – đây là chi phí biến đổi. Nhưng vì tiệm bánh hiện đang mua nhiều mặt hàng hơn cùng một lúc, có thể họ sẽ được chiết khấu với các đơn hàng số lượng lớn hơn.

Khi sản lượng tăng lên, chi phí cố định trên mỗi chiếc bánh sẽ giảm ngay lập tức bởi vì những chi phí đó không đổi. Lúc đầu, chi phí biến đổi cho nguyên liệu trên mỗi chiếc bánh có thể sẽ tăng lên nhưng cũng có thể sẽ giảm dần theo thời gian vì một tiệm bánh có thể sản xuất ngày càng nhiều bánh với mức giá thấp hơn, khiến giá thành trên mỗi chiếc bánh giảm xuống thấp hơn.

Sự khác biệt giữa lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên trong và bên ngoài

Các công ty có thể đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô do các yếu tố bên trong (những thay đổi trong chính công ty), hoặc do những thay đổi bên ngoài công ty.

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên trong công ty

Khi những thay đổi trong công ty làm giảm chi phí sản xuất, điều đó được gọi là lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên trong công ty. Một số cách các công ty lớn có thể tạo ra lợi thế này là:

  • Đầu tư vào chuyên môn hóa: Máy móc, công nghệ hoặc lao động tốt hơn cho phép một công ty sản xuất nhanh hơn.
  • Mua nguyên vật liệu với giá chiết khấu: Mua với số lượng lớn thường rẻ hơn, có nghĩa là giá trên mỗi đơn vị sẽ thấp hơn.
  • Tiến cập với nguồn tài chính rẻ hơn: Các công ty lớn hơn thường có hồ sơ tín dụng tốt hơn, điều này có thể cho phép họ vay tiền với lãi suất thấp hơn so với các công ty nhỏ hơn.
  • Mở rộng cơ sở vật chất hoặc di chuyển địa điểm: Cơ sở vật chất lớn hơn cho phép một nhà máy sản xuất nhiều hơn. Chuyển đến gần nguồn nguyên liệu và linh kiện có thể cắt giảm chi phí vận chuyển.

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên ngoài

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô từ bên ngoài xảy ra do những thay đổi xảy ra bên ngoài một công ty. Chúng có thể bao gồm:

  • Trợ cấp: Nếu một chính phủ muốn hỗ trợ sự phát triển của một ngành, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, thì họ có thể cung cấp hỗ trợ cho các công ty trong lĩnh vực đó.
  • Giảm thuế: Việc cắt giảm thuế làm giảm chi phí tổng thể cho một công ty.
  • Cải thiện giao thông vận tải: Nếu mạng lưới giao thông mở rộng hoặc phát triển, một công ty có thể tiết kiệm được những chi phí đó.
  • Nguồn cung lao động tại chỗ có kỹ năng cao hơn: Nếu có nhiều lao động có kỹ năng hơn tại địa phương, một công ty có thể có được những lao động tốt hơn với mức lương thấp hơn.
  • Nguồn nguyên liệu thô dồi dào: Khi các nguồn tài nguyên dễ kiếm hơn, chúng trở nên ít tốn kém hơn.
  • Đổi mới nhanh hơn trong một ngành: Những tiến bộ công nghệ có thể mang lại lợi ích cho các công ty tận dụng nó để tăng sản lượng.

Các công ty nhỏ hơn trong cùng ngành và địa điểm với các công ty lớn hơn cũng có thể có lợi thế quy mô từ bên ngoài bằng cách xuất hiện đúng nơi, đúng lúc. Ví dụ, họ có thể tiếp cận nguồn lao động chuyên môn hóa tốt hơn hoặc những nhà bán buôn cung cấp vật liệu và thành phần mà họ cần dễ hơn. Họ cũng có thể hưởng lợi từ mạng lưới giao thông tốt hơn nhờ sự hiện diện của các công ty lớn hơn xung quanh mình.

Các giới hạn của lợi thế kinh tế nhờ quy mô là gì?

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô không nhất thiết tồn tại mãi mãi.

Tăng sản lượng cũng có thể làm cho chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm tăng lên. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là bất lợi kinh tế do quy mô. Cũng giống như lợi thế kinh tế nhờ quy mô, bất lợi kinh tế do quy mô có thể xảy ra do các điều kiện bên trong hoặc bên ngoài một công ty.

Những bất lợi kinh tế do quy mô từ bên trong công ty có thể xuất phát từ những điều như:

  • Các vấn đề về điều phối: Khi một công ty phát triển, họ có nhiều nhân viên và nhiều quy trình để điều phối hơn. Sự phức tạp có thể khiến một công ty hoạt động kém hiệu quả hơn.
  • Động lực của nhân viên: Người lao động có thể cảm thấy không quan trọng trong các tập đoàn khổng lồ và mất động lực, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của họ.
  • Truyền thông: Một công ty càng lớn mạnh thì nguy cơ thông tin sai lệch giữa các bộ phận, nhân viên hoặc các nút trong quản lý chuỗi cung ứng (hành trình từ đầu đến cuối của sản phẩm từ nguồn gốc đến người tiêu dùng) càng lớn.

Khi các sự kiện bên ngoài một công ty làm tăng chi phí, đó được gọi là bất lợi kinh tế do quy mô từ bên ngoài công ty. Một số lý do phổ biến nhất là:

  • Nguyên liệu đắt hơn: Sự khan hiếm của tài nguyên hoặc nguyên liệu thô có thể dẫn đến giá cao hơn.
  • Thuế hoặc thuế quan cao hơn: Các loại thuế hoặc phí cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu có thể làm tăng chi phí sản xuất.
  • Tăng chi phí vận chuyển: Nếu chi phí cần để phân phối một sản phẩm tăng cao hơn thì chi phí để tạo ra một đơn vị sản phẩm đó sẽ tăng lên.
  • Tăng chi phí chuỗi cung ứng: Nếu các công ty khác mà một công ty làm việc cùng tăng chi phí của họ thì tổng chi phí sản xuất sẽ tăng lên.

Hầu hết công ty liên tục cố gắng tránh những bất lợi kinh tế do quy mô bằng cách cắt giảm chi phí mà không giảm sản lượng. Điều này có thể bao gồm những việc như thuê ngoài gia công phần mềm tại các khu vực có mức lương thấp hơn, tìm nguyên liệu rẻ hơn và giảm chi phí sản xuất.

Giữa lợi thế kinh tế nhờ quy mô và bất lợi kinh tế do quy mô, thường có một khoảng thời gian chi phí trung bình để sản xuất một đơn vị sản phẩm không đổi. Tình huống này được gọi là lợi nhuận không đổi theo quy mô hoặc hiệu quả kinh tế không đổi theo quy mô.

Lợi thế kinh tế nhờ phạm vi là gì?

Lợi thế kinh tế nhờ phạm vi và lợi thế kinh tế nhờ quy mô đều là những cách mà một công ty có thể hạ thấp chi phí sản xuất trung bình, nhưng chúng hoạt động theo cơ chế khác nhau.

Khi một công ty sản xuất thêm những hàng hóa khác nhau sử dụng cùng những nguồn lực cố định và biến đổi mà công ty sử dụng cho sản phẩm ban đầu thì điều đó sẽ làm giảm chi phí tổng thể của việc tạo ra nhiều loại sản phẩm. Đây chính là lợi thế kinh tế nhờ phạm vi.

Ví dụ: nếu một tiệm bánh chuyên về bánh ngọt mở rộng dòng sản phẩm của mình với thêm bánh quy và bánh nướng thì chi phí cố định sẽ không đổi vì tiệm bánh đã có lò nướng, nhân công và cửa hàng. Nhưng bây giờ những chi phí đó được trải rộng trên một danh mục sản phẩm đa dạng hơn. Tiệm bánh thậm chí có thể sử dụng hầu hết các nguyên liệu giống nhau (chi phí biến đổi) cho bánh quy và bánh nướng.

Trong khi lợi thế kinh tế nhờ quy mô làm giảm chi phí để tạo ra một sản phẩm thì lợi thế kinh tế nhờ phạm vi làm giảm chi phí sản xuất của nhiều sản phẩm. Lợi thế kinh tế nhờ quy mô cho phép các công ty sản xuất nhiều sản phẩm cùng loại hơn thông qua hoạt động hiệu quả hơn. Trong khi đó, lợi thế kinh tế nhờ phạm vi liên quan đến việc sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau thông qua một quy trình tương tự.

Huân Hà - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến