logo
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 09/11/2023

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch

Stop Out là một trong những rủi ro mà các trader có thể đối mặt khi tham gia đầu tư tài chính. Đây được xem là hành động nhằm ngăn chặn tình trạng tài khoản của trader bị âm hay cháy. Vậy Stop Out là gì? Làm sao để phòng tránh Stop Out trong giao dịch Forex? Cùng Investo tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau nhé!

Stop Out là gì?

Stop Out là mức ngưng giao dịch hay thời điểm mà các lệnh của nhà đầu tư sẽ bị đóng tự động do mức ký quỹ. Khi Margin Level giảm xuống dưới ngưỡng này, tức là tài khoản của trader đã bị thiếu hụt ký quỹ, không đủ để duy trì các vị thế đang mở. Stop Out ngay lập tức được kích hoạt, các vị thế sẽ bị sàn đóng tự động mà không cần thông báo. Vị thế có mức thua lỗ nhiều nhất sẽ bị đóng đầu tiên.

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch
Stop Out nghĩa là gì?

Công thức tính Stop Out trong Forex

Mỗi sàn giao dịch sẽ có những quy định riêng về mức Stop Out nhưng thường sẽ dao động trong khoảng 20 - 30%. Để biết tài khoản đã chạm vào ngưỡng này hay chưa, trader có thể áp dụng công thức sau:

Stop out = Equity/Margin

Trong đó:

  • Equity là số tiền hiện có trong tài khoản của trader.
  • Margin là số tiền ký quỹ mà trader bỏ ra để mở các vị thế giao dịch.

Ví dụ về Stop Out - Mức ngưng giao dịch 

Để dễ hình dung hơn về mức Forex Stop Out, trader có thể tham khảo ví dụ sau đây:

Sàn giao dịch X có quy định về mức Margin Call là 50%, mức dừng lệnh Stop Out là 30%. Ban đầu, tài khoản của trader có 2.000 USD và trader mở một vị thế giao dịch với số tiền ký quỹ là 600 USD.

Giả sử thị trường đi ngược với dự đoán của trader khiến vị thế đang mở bị lỗ 1.820 USD. Lúc này, số dư tài khoản của trader chỉ còn 2.000 - 1.820 = 180 USD. Áp dụng công thức ở trên, trader có thể tính được giá trị của Stop Out như sau:

Stop Out = 180/600 = 30%

Lúc này, mức Stop Out đã chạm ngưỡng quy định của sàn. Do đó lệnh sẽ được kích hoạt, vị thế đang mở của trader sẽ bị đóng tự động.

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch
Nếu Stop Out chạm ngưỡng quy định của sàn, các vị thế của trader sẽ bị đóng tự động

Một số tác động của Stop Out đến thị trường ngoại hối

Mặc dù, Stop Out được sàn đặt ra để bảo vệ tài khoản của trader khỏi nguy cơ bị cháy hay âm. Song, không một trader nào muốn bị Stop Out trong quá trình giao dịch bởi nó gây ra nhiều hậu quả tiêu cự như:

  • Nếu Stop Out được kích hoạt, vị thế sẽ bị đóng tự động và trader sẽ mất đi khoản tiền đầu tư của mình.
  • Bị đóng hết lệnh giao dịch có thể gây ra cảm giác thất vọng, tự ti đối với trader. Từ đó có thể khiến tâm lý của trader không ổn định, làm giảm khả năng tư duy và đưa ra những quyết định sai lầm.
  • Khi bị kích hoạt lệnh dừng giao dịch, tài khoản sẽ bị hạn chế mở vị thế mới. Điều này khiến cho trader không thể tiếp tục giao dịch và bỏ lỡ cơ hội sinh lời hấp dẫn.
  • Nếu liên tục kích hoạt Stop Out cũng sẽ khiến Broker bị mất uy tín trên thị trường và giảm đi một lượng người dùng nhất định.
  • Stop Out xảy ra thường xuyên sẽ khiến thị trường ngoại hối bị mất sức hấp dẫn đối với các trader.

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch
Bị ngừng giao dịch sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực nên không trader nào mong muốn xảy ra tình trạng này

Stop out và Margin Call khác nhau như nào?

Để ngăn chặn nguy cơ bị âm hay cháy tài khoản do lạm dụng Margin, các Broker đã đưa ra quy định về Margin Call và Stop Out. Tuy nhiên, mức độ cảnh báo của 2 loại này là không giống nhau. Để biết được sự khác nhau giữa Margin Call và Stop Out là gì, trader hãy xem ngay bảng so sánh dưới đây:

 

Margin Call

Stop Out

Bản chất

Là thông tin cảnh báo từ Broker khi số dư ký quỹ của trader không còn đủ để duy trì các vị thế đang mở.

Là quá trình Broker đóng một hoặc nhiều vị thế của trader một cách tự động, trader không thể can thiệp vào quá trình này.

Mức độ cảnh báo

Khi nhận thông báo Margin Call từ sàn, trader có 2 lựa chọn là nạp thêm tiền hoặc tự đóng bớt vị thế để nâng tỷ lệ ký quỹ lên mức an toàn.

Các vị thế sẽ bị đóng với giá thị trường, lần lượt từ vị thế có mức thua lỗ cao nhất mà không cần thông báo với trader.

Mức kích hoạt

Thường là bằng hoặc thấp hơn 100%.

Thường là 20 - 30%

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch
Mức độ cảnh báo của Stop Out nặng hơn so với Margin Call

Trader có thể tham khảo ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa Margin Call và Stop Out là gì.

Hiện tại, tài khoản của trader đang có số dư là 200 USD. Trader quyết định mở 3 lệnh giao dịch, mỗi lệnh có ký quỹ là 20 USD, tương đương với Used Margin là 3 x 20 = 90 USD. Sàn quy định mức Margin Call là 100%, Stop Out là 20%. Sau khi mở 3 vị thế thì giá trị Margin Level sẽ là:

Margin Level = 200/90 = 222%

Giả sử thị trường có biến động và đi ngược với phân tích của trader khiến các lệnh bị thua lỗ 110 USD. Lúc này, các thông số của tài khoản sẽ thay đổi như sau:

Equity = 200 - 110 = 90 USD

Margin Level = 90/90 = 100%

Vì Margin Level đã chạm ngưỡng Margin Call nên trader sẽ nhận cảnh báo từ sàn. Nếu trader không nạp thêm tiền hay đóng bớt vị thế và các lệnh tiếp tục thua lỗ 72 USD.

Equity = 90 - 72 = 18 USD.

Margin Level = 18/90 = 20%

Margin Level đã chạm ngưỡng dừng lệnh là 20%, như vậy các vị thế của trader sẽ bị đóng tự động.

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch
Nếu tiếp tục thua lỗ sau khi bị Margin Call thì trader có thể bị Stop Out

Cách tránh tình trạng Stop Out, kiểm soát rủi ro hiệu quả 

Việc tuân thủ các nguyên tắc trong giao dịch Forex là điều cần thiết để trader tránh phải tình trạng Stop Out. Sau đây là một số cách để hạn chế bị sàn đóng vị thế mà trader có thể tham khảo và thực hiện:

  • Tránh giao dịch trước khi có sự kiện quan trọng: Các tin tức, sự kiện quan trọng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến biến động giá của thị trường. Vì vậy, trước khi các tin tức, sự kiện này được công bố, trader nên hạn chế giao dịch để tránh tình trạng mất kiểm soát thị trường và mức lãi/lỗ của lệnh.
  • Giao dịch với quy mô nhỏ: Thị trường tài chính luôn biến động khôn lường, tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư. Thế nên, để tránh thua lỗ nặng do vào lệnh sai, trader không nên cược hết tiền vào duy nhất một lệnh mà nên chia nhỏ ra để đầu tư. Đồng thời phải có một quỹ dự phòng rủi ro cho bản thân.
  • Sử dụng lệnh Stop Loss: Việc đặt lệnh dừng lỗ Stop Loss sẽ giúp trader kiểm soát mức thua lỗ trong phạm vi cho phép. Hiện nay có khá nhiều công cụ để trader xác định điểm Stop Loss như Fibonacci, tỷ lệ Risk:Reward, chỉ báo ATR,...
  • Không nhồi lệnh: Nhiều trader thường có tâm lý gỡ gạc khi bị Margin Call nên vào thêm lệnh mới. Tuy nhiên, điều này chỉ có hiệu quả nếu trader dự đoán đúng xu hướng. Nếu không tốc độ cháy tài khoản sẽ càng nhanh chóng hơn. Tốt nhất trader nên tạm dừng giao dịch, đợi đến khi tâm lý đã ổn định thì mới bắt đầu vào lệnh mới.

Stop Out là gì? Cách phòng tránh bị Stop Out trong giao dịch
Trader nên chia nhỏ vốn đầu tư và có quỹ dự phòng để hạn chế rủi ro khi giao dịch

Kết luận

Trên đây là những chia sẻ liên quan đến Forex Stop Out là gì, cũng như cách phòng tránh tình trạng này. Hy vọng bài viết này đã giúp trader hiểu rõ hơn về Stop Out và có chiến lược giao dịch hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng cháy tài khoản. Để xem thêm nhiều chia sẻ về đầu tư tài chính khác, hãy theo dõi các bài viết trên website của Investo nhé!

Huỳnh Hà

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến