logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 08/10/2021

Tìm hiểu cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa nhỏ

Cổ phiếu vốn hóa lớn (big-cap) và vốn hóa nhỏ (small-cap) đúng như tên gọi của mình, được phân biệt dựa vào mức vốn hóa thị trường. Cổ phiếu vốn hóa lớn là của các công ty lớn hơn, còn cổ phiếu vốn hóa nhỏ của các công ty nhỏ.

Cách gọi tên này khá dễ gây hiểu nhầm, khi nhiều người sẽ cho rằng họ chỉ có thể kiếm tiền bằng việc đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Và sự thật không phải vậy, nhất là thời nay. Nếu bạn không nhận ra một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã phát triển thế nào, bạn sẽ bỏ lỡ vài cơ hội đầu tư tốt.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ được coi là khoản đầu tư tốt do có giá trị định giá thấp và có tiềm năng phát triển thành cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên định nghĩa về cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng đã thay đổi theo thời gian. Những cổ phiếu được coi là vốn hóa lớn vào năm 1980 giờ lại trở thành cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Bài viết này sẽ xác định khoảng giới hạn và cung cấp thông tin bổ sung giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn một số khái niệm bị coi là hiển nhiên.

Cổ phiếu tăng trưởng

Trước khi tìm hiểu các nội dung khác, chúng ta cần làm rõ ý nghĩa của từ “vốn hóa”, là rút gọn của khái niệm “vốn hóa thị trường”. Đây là tổng giá trị toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của một công ty theo ước tính thị trường.

Để tính được giá trị này, bạn cần nhân giá cổ phiếu với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, mặc dù đây là quan niệm chung về vốn hóa thị trường, thực tế, để tính tổng giá trị thị trường của một công ty bạn còn cần cộng thêm giá trị thị trường của mọi trái phiếu công ty đang giao dịch công khai.

Vốn hóa thị trường cho thấy quy mô của công ty, điều mà hầu hết các nhà đầu tư quan tâm. Bởi điều này thường chỉ ra một số đặc điểm chính của công ty, trong đó có cả đánh giá rủi ro của công ty đó. Mặc dù khoảng giá trị vốn hóa thế nào được coi là nhỏ của mỗi sàn môi giới lại khác nhau, nhưng nhìn chung ngày nay người ta quan niệm các công ty vốn hóa nhỏ có vốn hóa thị trường từ 300 triệu đến 2 tỷ USD.

Một suy nghĩ sai lầm mà mọi người hay có về các công ty vốn hóa nhỏ rằng đây là các công ty khởi nghiệp hoặc mới đang phát triển. Điều này không hoàn toàn đúng. Nhiều công ty vốn hóa nhỏ cũng có lịch sử hoạt động ổn định, được tổ chức tốt và có tình hình tài chính tuyệt vời như các công ty lớn hơn. Và bởi vì giá trị thị trường nhỏ hơn, cổ phiếu vốn hóa nhỏ có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn. Cũng có nghĩa là chúng có nhiều tiềm năng giúp các nhà đầu tư kiếm tiền nhanh hơn.

Những anh chàng to lớn

Cổ phiếu vốn hóa lớn để chỉ những công ty đại chúng lớn nhất với giá trị vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD như General Electric và Walmart. Những công ty này còn được gọi là cổ phiếu blue chip, là những công ty có lịch sử thu nhập chắc chắn, danh tiếng vững vàng và tài chính mạnh. Mặc dù các công ty kiểu này thường sẽ hoạt động tốt và mang lại lợi nhuận an toàn cho các nhà đầu tư, nhưng không có nghĩa mọi công ty vốn hóa lớn đều như vậy.

Một số nhà đầu tư có quan niệm sai lầm rằng cổ phiếu vốn hóa lớn có ít rủi ro hơn nhiều so với các cổ phiếu nhỏ hơn, nhờ vào giá trị của chúng. Đã có vài trường hợp trong lịch sử tài chính cho thấy điều ngược lại, ví dụ như Enron. Trường hợp này là minh chứng cho câu chuyện càng to càng ngã đau.

Công ty này vốn là con cưng của ngành năng lượng lại trở thành đối tượng của một vụ bê bối kế toán. Công ty đã sử dụng phương pháp kế toán hạch toán theo giá thị trường (MTM) để nhìn có vẻ sinh lời tốt hơn nhiều so với thực tế. Các công ty con của nó vốn đang thua lỗ, nhưng công ty này vẫn tiếp tục che giấu các khoản lỗ và nợ của mình, ẩn đi tài sản xấu nhờ các khoản ngoại bảng. Khi đã quá khó khăn, cuối cùng công ty phải nộp đơn xin phá sản. Nhiều nhân tố chủ chốt, trong đó có Giám đốc điều hành Jeffrey Skilling và đơn vị kế toán cho công ty này, đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Bài học rút ra là gì? Chỉ bởi đó là một công ty vốn hóa lớn, không có nghĩa nó sẽ luôn là một khoản đầu tư tuyệt vời. Bạn vẫn phải nghiên cứu tìm hiểu, tức là xem xét cả các công ty khác nhỏ hơn, để có cơ sở so sánh phù hợp cho tổng thể danh mục đầu tư của mình.

Lưu ý: Vốn hóa thị trường trung bình của Dow vẫn lớn hơn nhiều so với vốn hóa thị trường trung bình của Nasdaq 100.

See the source image

Xếp hạng vốn hóa

Định nghĩa về cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu vốn hóa nhỏ có sự khác biệt đôi chút giữa các công ty môi giới, và cũng đã thay đổi theo thời gian. Sự khác biệt về định nghĩa này là không đáng kể, và chủ yếu tác động đến các công ty đang ở mức mấp mé. Phân loại cụ thể rất quan trọng với các công ty đang ở mức mấp mé này, bởi các quỹ tương hỗ căn cứ vào định nghĩa để chọn lựa cổ phiếu khi mua.

Mức định nghĩa tương đối hiện nay như sau:

  • Vốn hóa siêu lớn (Mega-cap): Vốn hóa thị trường từ 200 tỷ USD trở lên
  • Vốn hóa lớn (Big-cap): từ 10 tỷ USD trở lên
  • Vốn hóa trung bình (Mid-cap): từ 2 tỷ đến 10 tỷ USD
  • Vốn hóa nhỏ (Small-cap): 300 triệu đến 2 tỷ USD
  • Vốn hóa rất nhỏ (Micro-cap): 50 triệu đến 300 triệu USD
  • Vốn hóa siêu nhỏ (Nano-cap): Dưới 50 triệu USD

Các mốc phân loại này đã tăng lên theo thời gian đồng thời với các chỉ số thị trường. Cũng cần lưu ý rằng mức giá trị để xác định này khá linh hoạt và không hoàn toàn cố định. Ví dụ, có lúc cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn hơn 100 tỷ USD đã được coi là vốn hóa siêu lớn.

Vào đầu những năm 1980, cổ phiếu vốn hóa lớn là mức vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD. Ngày nay, kích thước này được xem là nhỏ. Chưa rõ những ngưỡng xác định này có giảm đi khi toàn thị trường sụt giảm hay không.

Số lượng thay đổi

Phố Wall chủ yếu là các ngân hàng đầu tư sinh lời lớn, nên họ chú ý đến cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều nhất. Cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm đa số trên thị trường chứng khoán Mỹ, do đó chúng trở thành nhân tố cốt lõi trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư.

Trong khi đó, số lượng các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn thường hay thay đổi. Có 17 cổ phiếu vốn hóa siêu lớn vào năm 2007, nhưng con số này đã giảm xuống còn ít hơn 5 trong năm 2010 do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc Đại suy thoái. Trong năm 2017 và 2018, cổ phiếu vốn hóa siêu lớn đã hồi sinh, và những gã khổng lồ như Apple (AAPL) đã đạt tới mức vốn hóa thị trường cao nhất từ trước đến nay.

Còn cổ phiếu vốn hóa nhỏ? Hãy nhớ rằng, chỉ vì chúng có vốn hóa thị trường nhỏ hơn không có nghĩa bạn sẽ không có được giá trị hoặc lợi nhuận lớn. Trên thực tế, phần lớn giá trị trên thị trường chứng khoán có thể được tìm thấy ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vì có những công ty thuộc nhóm này có lịch sử hoạt động vào loại vững chắc nhất. Nhiều công ty trong số này cũng vượt trội hơn so với những công ty vốn hóa lớn cùng ngành.

Kết luận

Cách phân nhóm lớn nhỏ được sử dụng cho cả chỉ số chứng khoán và sàn giao dịch chứng khoán lớn, nên đôi khi dẫn đến nhầm lẫn. Chỉ số Dow Jones (DJIA) được coi là chỉ bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn trong khi Nasdaq thường được coi là bao gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Điều này đúng trong giai đoạn trước năm 1990, nhưng sau đó đã thay đổi. Kể từ thời kỳ bùng nổ công nghệ, giá trị vốn hóa thị trường đối với các sàn chứng khoán và chỉ số đã có sự khác biệt và giao nhau.

Phân biệt lớn hay nhỏ chỉ mang tính chủ quan, tương đối và thay đổi theo thời gian. Vốn hóa lớn không phải lúc nào cũng ít rủi ro hơn, nhưng các cổ phiếu vốn hóa lớn là những cổ phiếu được các nhà phân tích Phố Wall theo dõi sát sao nhất. Bởi vậy, điều này cũng có nghĩa là giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn không tồn tại cổ phiếu giá trị.

Thủy Linh - Theo investopedia.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến