logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 08/04/2022

Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI) là gì?

Định nghĩa:

Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI) cho biết mức hiệu quả của khoản đầu tư bằng cách so sánh lợi nhuận thu được trên số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra, và từ đó giúp nhà đầu tư chứng khoán so sánh ưu nhược của các cổ phiếu khác nhau.

investo - roi - 220408

Tìm hiểu về Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI)

Mục tiêu của mọi nhà đầu tư là kiếm về nhiều tiền hơn số tiền đã bỏ ra ban đầu, càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu số vốn ban đầu mà bạn dành ra cho mỗi kênh đầu tư lại khác nhau và con số lợi nhuận cũng khác nhau thì làm thế nào bạn có thể xác định được khoản đầu tư nào mang lại hiệu quả tốt nhất? Đáp án nằm ở Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI). Đại lượng này cho phép bạn so sánh mức độ hiệu quả của các khoản đầu tư bằng cách đo lường mức lãi ròng (hoặc lỗ ròng) dưới dạng phần trăm trên tổng vốn đầu tư. ROI là một trong những chỉ số phổ biến nhất dùng để đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp, nhưng thước đo này không phải lúc nào cũng hoàn hảo. ROI không tính đến khoảng thời gian mà bạn phải chờ đợi để gặt hái thành quả, lạm phát, mức độ rủi ro của khoản đầu tư hoặc một số chi phí phát sinh liên quan.

Ví dụ:

Giả sử bạn mua một ounce vàng vào ngày 15/10/2018. Giá giao ngay là 1.218 USD mỗi ounce. Khoảng một năm sau, giá trị của vàng lên tới 1.489 USD/ounce. Nếu bạn quyết định bán đi khoản đầu tư của mình, bạn sẽ nhận lại được 1.218 USD, cộng thêm 271 USD. Tỷ suất hoàn vốn đầu tư lúc này sẽ là 22,2% (lấy 271 chia cho 1.218).

Bài học

Tưởng tượng tỷ suất hoàn vốn đầu tư cũng giống như trồng khoai tây vậy…

Khi bạn trồng một củ khoai tây thay vì ăn hết, bạn kỳ vọng một củ ban đầu sẽ phát triển thành nhiều củ về sau. Nếu củ khoai tây đó (vốn đầu tư) tăng lên thành năm củ, thì sự kiên nhẫn của bạn sẽ được tưởng thưởng bằng mức ROI là 400%. Tất nhiên, củ khoai tây của bạn có thể mất nhiều thời gian để phát triển hoặc có thể không nảy mầm. Vì vậy, đừng quên cân nhắc đến yếu tố rủi ro.

Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI) là gì?

Khi bạn đầu tư vào một thứ gì đó - cho dù đó là cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, doanh nghiệp nhỏ hay bất kỳ thứ gì khác - thì cuối cùng bạn sẽ muốn nhận lại số tiền bỏ ra cùng với một khoản tiền cộng thêm. Phần “cộng thêm” – tức những thứ mà bạn nhận được thêm ngoài phần vốn bạn bỏ ra - chính là lợi nhuận. Nếu đánh giá lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền bạn đã đóng góp chính là tỷ suất hoàn vốn đầu tư hay tỷ lệ lợi nhuận. ROI là một số liệu phổ biến dùng để đánh giá mức sinh lời của một khoản đầu tư. Bạn có thể sử dụng chỉ số này để xác định giá trị khi mua bất động sản, đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, hoặc thậm chí cho tiền từ thiện. Các công ty có thể sử dụng ROI để đánh giá giá trị của dự án giới thiệu các dòng sản phẩm mới, mở rộng nhà máy, mở địa điểm mới, mua lại công ty đối thủ cạnh tranh, khởi xướng chiến dịch tiếp thị hoặc mở chương trình đào tạo mới. Số liệu này cũng rất hữu ích để hỗ trợ các sáng kiến về ​​chính sách công, chương trình nghiên cứu, thủ thuật y tế, v.v.

ROI cho biết số tiền mà nhà đầu tư thu được hoặc mất đi so với quy mô tổng đầu tư, và con số này hầu như luôn được trình bày dưới dạng phần trăm. ROI đưa các khoản đầu tư khác nhau về cùng một thang đo chung, qua đó cho phép nhà đầu tư tăng hoặc giảm tỷ trọng bằng cách chuẩn hóa theo tỷ lệ tương ứng. Điều đó có thể giúp bạn tìm ra cơ hội tốt để theo đuổi hoặc phát hiện những tài sản nên bán đi trong danh mục đầu tư.

Trên lý thuyết, độ lớn của ROI là không có giới hạn. Ngược lại, không có khoản đầu tư nào có thể đảm bảo chắc ăn sẽ có lợi nhuận. ROI âm nói lên một điều rằng bạn đã không nhận lại được toàn bộ số tiền đầu tư ban đầu của mình. Mức ROI xấu nhất có thể có sẽ là khi tổng số tiền đầu tư của bạn bị thiệt hại hoàn toàn, tức là ROI bằng -100%. ROI bằng 0% có nghĩa là bạn đã nhận lại được tiền của mình, nhưng ngoài ra không còn gì thêm nữa.

Cách tính ROI

Để xác định ROI, bạn phải chia tổng mức thay đổi giá trị của tài sản cho giá. Sau đó, nhân số đó với 100 để biểu thị tỷ lệ này dưới dạng phần trăm.

ROI = (Lợi nhuận ròng/Tổng chi phí đầu tư) × 100

Lợi nhuận ròng là khoản chênh lệch giữa giá gốc của khoản đầu tư và giá trị của tài sản khi bạn bán ra, bao gồm tất cả các chi phí liên quan. Như vậy, phiên bản chi tiết hơn của công thức này sẽ được trình bày như sau:

ROI = ((Giá trị đầu tư - Chi phí đầu tư - Chi phí liên quan)/Chi phí đầu tư) × 100

Ví dụ, giả sử bạn mua 100 cổ phiếu ABC với giá 10 USD/cổ phiếu, với tổng giá mua là 1.000 USD. Khi bạn bán những cổ phiếu đó, chúng trị giá 14 USD mỗi cổ phiếu, với tổng giá trị thu về là 1.400 USD. Giả sử bạn đã trả 5 USD phí hoa hồng cho mỗi chiều giao dịch, do đó, chi phí liên quan là 10 USD. Như vậy, cách tính ROI là như sau:

ROI = ((1.400 USD - 1.000 USD - 10 USD)/1.000 USD) ×100 = 39%

ROI như thế nào mới tốt?

Miễn ROI dương thì bất kỳ mức nào cũng đều là khoản đầu tư “tốt”. Khi ROI dương thì có nghĩa là bạn đã nhận lại được số tiền bỏ ra và một khoản cộng thêm. Nhưng lý tưởng nhất, ROI phải cao hơn so với khoản đầu tư tốt thứ hai của bạn.

Giới đầu tư chứng khoán thường so sánh khoản đầu tư tiềm năng so với khi họ bỏ tiền vào thị trường chứng khoán chung. Trong bốn thập kỷ qua, lợi nhuận trung bình hàng năm của S&P 500 (một chỉ số bao gồm 500 công ty lớn nhất được giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ) đã đạt gần 7%, đã loại trừ tác động lạm phát. Mặc dù kết quả trong quá khứ sẽ không đảm bảo cho hiệu suất trong tương lai, nhưng ROI chỉ được xem là tốt khi cao hơn mặt bằng chung của thị trường trong dài hạn. Ngoài ra, bạn có thể gửi tiền của mình vào một tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao. Kể từ tháng 11/2019, lãi trung bình hàng năm của một số kênh tiết kiệm đạt hơn 2% và không có rủi ro. Nếu kênh đầu tư mà bạn đang cân nhắc không có mức ROI cao hơn các kênh khác thì rất có thể đó không phải là một sự lựa chọn tốt.

Tuy nhiên, mức rủi ro và lợi nhuận tiềm năng trong đầu tư luôn có một mối quan hệ song hành. Vì vậy, những khoản đầu tư hứa hẹn mức ROI cao cũng có thể đi kèm với nguy cơ thua lỗ lớn hơn. Trong khi đó, những cơ hội tiềm ẩn ít rủi ro cũng sẽ có ROI thấp hơn. Cả hai trường hợp vừa nêu đều có thể được coi là cơ hội đầu tư tốt, tương ứng theo mức rủi ro của chúng. Vì lý do này, ROI tốt hay không thì còn phụ thuộc vào mức độ rủi ro của khoản đầu tư, mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.

ROI có những hạn chế gì?

Điểm hạn chế lớn nhất của tỷ suất hoàn vốn đầu tư là chỉ số này không tính đến thời gian thu hồi vốn. Chẳng hạn, giả sử Khoản Đầu tư A là trái phiếu trị giá 100 USD đáo hạn trong 5 năm, với giá trị khi đáo hạn là 125 USD. Khoản Đầu tư B là khoản cho vay 500 USD mà bạn sẽ nhận được tiền thanh toán hàng tháng là 50 USD trong vòng 12 tháng. Và Khoản Đầu tư C là tài sản trị giá 200.000 USD mà bạn dự kiến ​​sẽ bán với giá 275.000 USD trong vòng 10 năm tới.

Nếu tất cả các khoản đầu tư này đều đạt như kế hoạch thì lợi nhuận dự kiến ​​của bạn sẽ như sau:

  • Khoản Đầu tư A = 25 USD
  • Khoản Đầu tư B = 100 USD
  • Khoản Đầu tư C = 75.000 USD

Chuyển thành ROI thì sẽ như sau:

  • Khoản Đầu tư A = 25%
  • Khoản Đầu tư B = 20%
  • Khoản Đầu tư C = 38%

Nhưng nếu tính theo thời gian để đạt được những khoản lợi nhuận đó (bằng cách chia tổng ROI cho số năm bạn phải nắm giữ chúng) thì ROI trung bình hàng năm là:

  • Khoản Đầu tư A = 5%
  • Khoản Đầu tư B = 20%
  • Khoản Đầu tư C = 4%

Rõ ràng, ROI không hề phản ánh toàn bộ bối cảnh khi tính đến yếu tố thời gian. ROI cũng không tính đến mức rủi ro. Có khả năng trái phiếu sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn nhiều so với khoản cho vay vì khoản cho vay có thể sẽ không thu hồi được hết đúng hạn. Trong khi đó, cũng rất khó nói liệu giá trị bất động sản sẽ tăng giảm bao nhiêu. Và nếu lỡ như mất đi 100 USD thì bạn cũng ít đau đớn hơn nhiều so với khi mất 200.000 USD. Tất cả những yếu tố đó đều đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đầu tư vào kênh nào.

Một điểm hạn chế nữa là ROI rất nhạy cảm khi các yếu tố đầu vào bị thay đổi. Ví dụ:

Giả sử bạn mua một tài sản với giá 10.000 USD. Sàn môi giới tính phí hoa hồng là 200 USD khi giao dịch. Một vài năm sau, bạn bán tài sản đó với giá 12.500 USD. Phí môi giới sẽ là 250 USD khi bán. Tỷ lệ ROI trên khoản đầu tư này phụ thuộc vào cách bạn tính các khoản phí đó. Nếu bạn coi chi phí ban đầu bao gồm cả phí môi giới thì ROI sẽ là 20,1% [(12.500 USD - 10.000 USD - 450 USD)/10.200 USD]. Nhưng nếu bạn chỉ tính giá mua, không tính đến phí hoa hồng, thì ROI sẽ tăng lên thành 20,5% [(12.500 USD - 10.000 USD - 450 USD)/10.000 USD].

Tương tự, phép tính ROI đơn giản có thể sẽ bỏ qua một số chi phí liên quan. Có thể khoản đầu tư bất động sản của bạn sẽ phát sinh chi phí bảo trì đột xuất, khoản cho vay có thể phát sinh phí ủy thác hàng năm hoặc cũng có các loại thuế đặc biệt đánh vào thu nhập từ một số loại hình đầu tư nhất định. Dù cố ý hay vô tình, nếu bạn không khấu trừ những chi phí này khỏi giá trị tổng kết cuối cùng thì con số ROI sẽ có thể phóng đại sai lệch về mức hấp dẫn của cơ hội đầu tư.

Chỉ báo thay thế cho ROI

Vì ROI không tính đến thời gian nắm giữ tài sản đầu tư nên nếu thấy cần thiết, bạn cần phải so sánh ROI của các khoản đầu tư trong cùng một thời kỳ. Nếu không thể thực hiện được phép so sánh đó, bạn có thể chọn một số phương án khác.

Chẳng hạn, bạn có thể điều chỉnh ROI theo thời gian sinh lợi. Lấy ROI chia cho số năm sở hữu tài sản (như trong ví dụ trên), kết quả thu được sẽ giúp bạn hình dung về lợi suất đầu tư hàng năm hoặc lợi tức trung bình hàng năm. Có một phương án chính xác hơn (và phức tạp hơn) là tính toán tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của các khoản đầu tư. Phương pháp này ghi nhận mức ảnh hưởng của lãi kép theo thời gian, hoặc số tiền lãi mà bạn kiếm được trên khoản tiền lãi trước đó.

Một chỉ báo khác có thể thay thế cho ROI là tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR). Công thức này giả định rằng lợi nhuận nhận được trước đó có giá trị hơn khoản lợi nhuận tương tự nhưng nhận được về sau, xét rằng cả hai khoản đều bằng nhau. Nguyên nhân là vì số tiền đó có thể đã được tiết kiệm hoặc đầu tư trong khoảng thời gian “lệch pha”, từ đó sinh thêm lãi và vì đồng tiền thường sẽ mất giá trị theo thời gian do lạm phát. Tuy nhiên, chỉ báo này không trực tiếp tính đến lạm phát. Phép tính IRR có phần hơi phức tạp, nhưng hiện nay các chương trình tính toán trực tuyến có thể xử lý vấn đề này rất nhẹ nhàng.

Trên thực tế, giá của mọi thứ thường có xu hướng tăng theo thời gian, hiện tượng này được gọi là lạm phát, cho nên một phần thu nhập từ bất kỳ khoản đầu tư nào cũng đều đến từ đó. Để đánh giá chính xác, bạn nên tính toán kỹ để xem có bao nhiêu lợi nhuận hàng năm đến từ chính khoản đầu tư, chứ không phải từ lạm phát. Để làm điều này, bạn có thể tính “tỷ suất sinh lợi thực”:

Tỷ suất sinh lợi thực = (1 + Lãi danh nghĩa)/(1 + Tốc độ lạm phát) - 1

Lãi danh nghĩa là khoản lợi tức mà bạn kỳ vọng thu về nếu không điều chỉnh theo lạm phát.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến