Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm 2022 nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, đã có nhiều lời bàn tán về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Điều đó vẫn chưa xảy ra, nhưng những lo ngại về vấn đề này không vì thế mà giảm đi.
Những lời bàn tán liên tục về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã dẫn đến một hiện tượng gọi là Vibecession, miêu tả trạng thái khi người tiêu dùng nhìn nhận kinh tế đang ở mức tồi tệ, trong khi thực tế không như vậy.
Theo Chris Jackson, phó chủ tịch cấp cao của Công ty khảo sát Ipsos, người tiêu dùng Mỹ dường như đang kiệt sức sau quãng thời gian “chi tiêu trả thù” khi các biện pháp hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Kết quả thăm dò hàng tháng do Ipsos thực hiện vào tháng 7 vừa qua cho thấy, 63% người Mỹ cho rằng mọi thứ tại Mỹ đang đi sai hướng trong thời gian gần đây, và 56% tin rằng kinh tế Mỹ đang ở tình trạng tệ hại.
Nền kinh tế Mỹ đã vượt qua nhiều biến động trong những năm 2020 như đại dịch COVID-19, lạm phát dai dẳng, các đợt tăng lãi suất, mà không rơi vào suy thoái, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Vào tháng 4 năm 2024, chỉ khoảng 34% người Mỹ cảm thấy nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 43% cách đây 12 tháng.
Dù vậy, người Mỹ không còn lạc quan về nền kinh tế như trước đại dịch. Khảo sát được thực hiện vào tháng 7 năm 2024 cho thấy, chỉ có 44% người Mỹ nhận định kinh tế vẫn đang trong trạng thái khỏe mạnh. Vào thời điểm tháng 1 năm 2020 ngay trước đại dịch Covid-19, con số này là 68%.
Vấn đề là những con số này cho thấy phần lớn người dân Mỹ vẫn giữ tâm lý bi quan, bất chấp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng và tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 đứng ở mức 4,3%, giảm mạnh so với mức tăng kỷ lục lên đến 14,7% vào tháng 4 năm 2020, giai đoạn đầu khi đại dịch bùng nổ.
Lạm phát dai dẳng cũng đang tiếp tục ám ảnh tâm trí người dân Mỹ. Khoảng 50% người Mỹ cho biết lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của họ, tăng năm điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mối lo ngại này chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dù lạm phát thực tế đang trong xu hướng đi xuống, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm mạnh từ mức 9,1% vào tháng 6 năm 2022 xuống còn 2,9% vào tháng 7 năm 2024.
Tuy nhiên, dễ hiểu tại sao người Mỹ lại có suy nghĩ như vậy. Với tốc độ như hiện nay, CPI tích lũy dự kiến sẽ tăng hơn 20% kể từ năm 2020 tới cuối năm nay. Và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm đang trên đà tăng mạnh gần 28% trong năm năm qua
“Tôi nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất đang đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng là lạm phát”, ông Jackson nói. “Chi phí sinh hoạt thực sự là một gánh nặng đối với mọi người. … Lạm phát là vấn đề được quan tâm hàng đầu và đang thực sự chi phối tâm trí người Mỹ, đặc biệt là khi họ nhìn vào những chi phí thường xuyên, chẳng hạn chi phí đổ xăng hàng tuần”.
Thực tế là rất nhiều người tiêu dùng Mỹ có thể không biết lạm phát của nước họ so với các quốc gia khác như thế nào, hay GDP tháng này cao hay thấp hơn bao nhiêu so với tháng trước.
Nhưng họ biết rõ về những gì đang diễn ra quanh mình, và các cử tri, đặc biệt là cử tri đảng Cộng hòa, đang trở nên khá bi quan. Các khảo sát gần đây cho thấy 78% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng kinh tế Mỹ đang trong trạng thái tồi tệ, trong khi 33% cử tri đảng Dân chủ đồng tình với nhận định này.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt không ảnh hưởng đồng đều đến tất cả mọi người. Phần lớn những người có thu nhập cao có thể dễ dàng vượt qua được áp lực tiền bạc, trong khi những người có thu nhập thấp và trung bình gặp nhiều khó khăn hơn.
Một khảo sát hồi tháng 4 năm 2024 cho thấy, chỉ có 27% người thu nhập thấp vẫn duy trì được mức sống ổn thỏa trong điều kiện kinh tế hiện tại, giảm nhẹ so với mức 29% vào tháng 4 năm 2022. Với nhóm có thu nhập trung bình, con số này là 54%, không đổi so với tháng 4 năm 2022. Trong khi đó, 71% người có thu nhập cao cho biết họ không phải đối mặt với nhiều áp lực chi phí, tăng so với mức 69% cách đây hai năm.
FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5% cho đến nay, nghĩa là chi phí mà người tiêu dùng phải gánh chịu thực tế đã tăng lên so với thời điểm tháng 3 năm 2022, khi cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất. Mặc dù vậy, có tới 45% người Mỹ cho biết họ không cảm thấy quá áp lực khi mua các tài sản có giá trị lớn như nhà hay ô tô.
Mỹ, cùng với một số quốc gia khác, dường như đang trên đà đạt được một cú hạ cánh mềm. Nhưng một lần nữa, những lời bàn tán về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã quay trở lại.
Lạm phát đã tăng cao và hiện đang hạ nhiệt dưới sự lãnh đạo của tổng thống Joe Biden. Nhưng khảo sát hồi tháng 4 năm 2024 cho thấy, vẫn có tới 55% người dân Mỹ cho biết đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính, tăng 14 điểm phần trăm so với tháng 4 năm 2022.
Rất khó để xác định liệu điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, mặc dù như ông Jackson lưu ý, bà Harris đang được hưởng lợi từ những thành tựu kinh tế mà ông Biden đã làm được kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm 2021.
Hiện tại, bà Harris đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc khảo sát với tỷ lệ sít sao 42% - 37%. Song, những gì diễn ra trong vài tuần qua cho thấy bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Dù vậy, theo ông Jackson, có một điều chắc chắn sẽ không thay đổi, đo là kinh tế sẽ là một vấn đề quan trọng của cuộc bầu cử năm nay.
Liệu bà Harris hay cựu tổng thống Donald Trump có thể xoay chuyển những khó khăn và lo lắng của cử tri về vấn đề kinh tế thành chiến thắng vào ngày 5 tháng 11 không?
Đỗ Hiền-Theo ipsos