Trong phiên 30/7, giá vàng tăng nhẹ khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Giá dầu giảm khoảng 1% do lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc có thể suy giảm và các nhà sản xuất chủ chốt sẽ tuân thủ kế hoạch tăng nguồn cung.
Vào lúc 0 giờ 47 phút ngày 31/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.403,47 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 1% lên 2.451,9 USD/ounce.
Chiến lược gia trưởng Phillip Streible tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures cho biết, châu Âu đang cho thấy một số vết nứt trong nền kinh tế và họ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 - thời điểm Mỹ cũng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất. Kỳ vọng này đã hỗ trợ thị trường kim loại quý.
Dự kiến, kết thúc cuộc họp ngày 30- 31/7 (theo giờ địa phương), FED dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất, nhưng để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách sớm nhất là vào tháng 9, khi thừa nhận lạm phát đã tiến gần hơn đến mục tiêu 2%.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Lãi suất hạ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi một loạt dữ liệu việc làm của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này, bao gồm báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào ngày 2/8 (theo giờ địa phương).
Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade cho biết quan điểm của FED và báo cáo việc làm công bố ngày 2/8 có thể khiến đồng USD suy yếu nếu các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào việc sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn cho đến cuối năm nay.
Giám đốc chiến lược hàng hóa Ole Hansen tại ngân hàng Saxo Bank đánh giá, không thể loại trừ một số đợt giảm ngắn hạn đối với vàng, nhưng nhìn chung xu hướng giá tăng trong những tháng và quý tới vẫn còn.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng của Ấn Độ trong quý II/2024 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, song tiêu thụ vàng trong nửa cuối năm sẽ được cải thiện nhờ việc điều chỉnh giá trong nước sau khi thuế nhập khẩu giảm mạnh.
Chốt phiên 30/7, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 1,15 USD (1,4%) và đóng cửa ở mức 78,63 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,08 USD (1,4%) xuống còn 74,73 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu chủ chốt kể từ ngày 5/6.
Một loạt thông tin kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường gần đây. Cuộc khảo sát của Reuters công bố ngày 29/7 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7/2024.
Cũng trong ngày 29/7, Citi đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống từ 5% xuống 4,8% sau khi tăng trưởng quý II/2024 không đạt ước tính của các nhà phân tích, đồng thời lưu ý rằng hoạt động kinh tế đã tiếp tục giảm trong tháng 7.
Nhà phân tích cấp cao Emril Jamil tại LSEG Oil Resarch cho biết, căng thẳng thuế quan với châu Âu và Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những người tham gia thị trường đang quan tâm tới một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng cho Gaza trong những ngày qua. Điều này có thể làm giảm phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị đối với giá dầu thô.
Nhà phân tích Bob Yawger, phụ trách mảng năng lượng tại ngân hàng Mizuho, ước tính rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với lực hượng Hamas có khả năng giảm phí bảo hiểm rủi ro từ 4-7 USD cho mỗi thùng dầu.
Một diễn biến khác cũng được thị trường chú ý là các Bộ trưởng hàng đầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ họp vào ngày 1/8 để xem xét thị trường, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu dừng một số đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 10. Hiện tại, thị trường không mong đợi OPEC+ có bất cứ sự thay đổi chính sách nào.
Yến Anh