Vào hôm thứ Sáu, các chỉ số chứng khoán tại Mỹ đã chốt phiên tăng cao hơn nhưng xét cả tuần vẫn kết thúc trong sắc đỏ do giới đầu tư dấy lên nhiều lo ngại về tình hình lây lan của biến thể delta, về khả năng Cục Dự trữ Liên bang sắp cắt giảm chương trình thu mua trái phiếu và các động thái cấm đoán của chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này.
Nhiều nhóm ngành nghề đã phục hồi vào ngày thứ Sáu, trong đó các cổ phiếu công nghệ nằm trong số những mã tăng mạnh nhất trong S&P 500 và thậm chí cả các mã năng lượng cũng bắt đầu tăng giá sau một tuần suy yếu khi giá dầu lao dốc.
• Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones (DJIA) tăng 225,96 điểm, tương đương 0,7%, lên 35.120,08.
• Chỉ số S&P 500 (SPX) tăng 35,87 điểm, tương đương 0,8%, lên 4.441,67.
• Chỉ số tổng hợp Nasdaq (COMP) tăng 172,87 điểm, tương đương 1,2%, lên 14.714,66.
Vào hôm thứ Năm, các chỉ số chính có kết quả chốt phiên trái chiều, trong đó chỉ số S&P 500 và chỉ số Tổng hợp Nasdaq tăng nhẹ trong khi chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 1,2%.
Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, chỉ số Dow Jones giảm 1,1% và chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 0,7%, trong khi chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 (RUT) giảm 2,5%.
Làn sóng “săn sale giá rẻ” trong tuần đã nổ ra vào hôm thứ Sáu khi các nhà đầu tư tranh thủ “hốt hàng” các mã cổ phiếu công nghệ thông tin SP500.45 (+1,30%), đồng thời dồn vốn sang các mã năng lượng SP500.10 (+0,28%) và tài chính SP500.40 (+0,62%) cùng với những mã có hiệu suất kém nhất trong tuần này.
“Làn sóng thanh khoản thật sự quá mạnh mẽ và quá ồ ạt đến mức tâm lý mua săn sale chính là xu thế thời thượng vào lúc này,” giám đốc đầu tư David Donabedian của CIBC Private Wealth Management cảm thán vào hôm thứ Sáu. Ông nói, công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông là một trong những lĩnh vực có hiệu suất dẫn đầu thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, tương tự như năm ngoái khi dịch COVID-19 “hoành hành” và “các mã cổ phiếu đáp ứng nhu cầu tại nhà” đều đứng đầu bảng xếp hạng.
Dữ liệu của FactSet cho thấy khối năng lượng giảm 7,3% trong tuần này, trong khi khối tài chính giảm 2,3%. Khối hàng tiêu dùng thiết yếu SP500.30 (+0,18%) tăng 0,4% trong tuần, chăm sóc sức khỏe SP500.35 (+0,51%) tăng 1,8% và tiện ích SP500,55, +1,22% tăng 1,8%, chủ yếu là các mã phòng thủ. Trong khi đó, khối công nghệ đã tăng bù lại cho khoản trượt giá trong tuần.
“Chúng tôi cũng không quá phấn khích trước các diễn biến vừa qua của thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở nhóm vốn hóa lớn, vì mức định giá cổ phiếu có vẻ đã chạm đỉnh,” phó chủ tịch chiến lược đầu tư Michael Reynolds của công ty quản lý tài sản Glenmede cho biết. Nhưng ông cho biết khẩu vị rủi ro của Glenmede vẫn còn đó do công ty này đang nhắm mục tiêu vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và chứng khoán quốc tế cũng như các quỹ tín thác đầu tư bất động sản.
Các nhà nghiên cứu tại Capital Economics cho biết đà lây lan của biến thể delta vẫn đang tiếp tục gây áp lực lên giá cả, đặc biệt là giá hàng hóa. “Giá hàng hóa hầu hết đều giảm trong tuần này do đồng Dollar Mỹ tăng, kèm theo đó là những lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ,” các nhà kinh tế của Capital Economics viết vào hôm thứ Sáu.
Trong cả tuần này, đà tăng giá đã bị kìm hãm lại do giới đầu tư lo ngại về thực trạng gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm COVID, ca nhập viện và ca tử vong, cụ thể trung bình số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Mỹ trong bảy ngày qua đã tăng lên mức 143.827 ca vào thứ hôm Năm, cao hơn 44% so với hai tuần trước và nhiều nhất kể từ ngày 1/2, theo số liệu theo dõi của tờ New York Times.
Trước diễn biến lây lan dịch bệnh, một số thành viên của Fed đã phải suy nghĩ lại về các chiến lược thắt chặt tiền tệ.
Chẳng hạn, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Dallas, Rob Kaplan, cho biết ông có thể sẽ cân nhắc lại đề xuất của mình đối với ngân hàng trung ương Mỹ về việc kêu gọi nhà băng này nhanh chóng cắt giảm chương trình thu mua trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp hàng tháng trị giá 120 tỷ USD nếu tình hình lây lan chủng delta có vẻ như đang làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế.
“Chúng tôi rất mong muốn hãm tốc đà lây lan, và bây giờ mọi thứ đang có chiều hướng rất tiêu cực,” ông Kaplan cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Sáu. Ông Kaplan cho biết biến thể delta đã khiến ông phải cởi mở quan điểm của mình hơn về đường lối chính sách tiền tệ. Ông gọi biến thể delta là “thứ bất khả cân lượng” trong tương lai.
Theo ông David Donabedian từ CIBC Private Wealth Management, lời nhận định từ một quan chức Fed thuộc phe ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ như ông Kaplan có thể đã góp phần tạo nên làn sóng tăng giá của TTCK Mỹ vào hôm thứ Sáu. Chỉ vài ngày trước, biên bản cuộc họp chính sách của Fed đã cho thấy “sự nhất trí giữa các thành viên về quyết định bắt đầu cắt giảm kích thích trong năm nay,” và một số nhà đầu tư hiện có lẽ đã thấy trước khả năng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ “suy nghĩ lại”.
“Thông điệp mà chúng tôi luôn gửi tới khách hàng của mình đó là nửa đầu năm nay sẽ chẳng có gì xảy ra cả,” khi mức tăng trưởng chỉ cao hơn một ít so với mặt bằng chung và “mức độ biến động thị trường là rất thấp,” ông Donabedian cho biết. “Thị trường đang ở thời kỳ tăng giá, nhưng tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn trong nửa cuối năm nay”.
Chỉ số biến động Cboe (VIX), thước đo chuẩn về mức biến động ngụ ý của thị trường chứng khoán, đã tăng vọt vào đầu phiên thứ Sáu, trong khi chỉ số Dollar Mỹ (DXY) đạt đỉnh cao nhất trong chín tháng qua. Theo dữ liệu từ FactSet, VIX đã giảm khoảng 15% vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu.
• Cổ phiếu của Mudrick Capital Acquisition Corp. II (MUDS) giảm 2,8% sau khi công ty mua lại với mục đích đặc biệt này, hay còn gọi là SPAC, cho biết thỏa thuận sáp nhập mà lẽ ra sẽ đưa cổ phiếu của Topps được chào bán công khai đã bị hủy “theo ý kiến nhất trí giữa các bên”.
• Cổ phiếu Deere & Co. (DE) giảm 2,1% sau khi nhà sản xuất thiết bị xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc sân cỏ này báo lãi quý tài chính thứ 3 tăng hơn gấp đôi và vượt trội hơn kỳ vọng, đồng thời còn tăng kế hoạch thu nhập cả năm.
• Cổ phiếu Foot Locker Inc. (FL) tăng 7,3% sau khi hãng bán lẻ đồ thể thao này báo cáo kết quả tài chính quý 2 vượt xa kỳ vọng.
• LumiraDx Ltd. và công ty SPAC có tên CA Healthcare Acquisition Corp. vào hôm thứ Sáu cho biết, giá trị thương vụ sáp nhập của họ nhằm đưa LumiraDx thành công ty đại chúng đã bị cắt giảm 40%, với “nhiều lý do cân nhắc khác nhau”, trong đó có yếu tố tác động từ tình hình thị trường gần đây đối với các công ty đại chúng trong ngành chẩn đoán và tình hình sụt giảm nhu cầu xét nghiệm COVID- 19.
• Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (TMUBMUSD10Y) tăng gần 0,02% lên 1,259% vào hôm thứ Sáu, nhưng đã giảm 0,038% trong tuần. Lợi suất giảm vì giá trái phiếu tăng.
• Chỉ số Dollar Mỹ (DXY), thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ sáu loại tiền tệ chính, đã giảm 0,1% và chuyển động quanh mức đỉnh cao nhất trong chín tháng qua.
• Giá dầu tương lai giảm ngày thứ bảy liên tiếp, trong đó chỉ số chuẩn CL00 của Mỹ giảm gần 2,2% về mức 63,32 USD/thùng, giảm gần 9% trong tuần. Giá vàng tương lai GC00 tăng 0,05% lên 1.784 USD/ounce.
• Tại thị trường Châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 (SXXP) chốt phiên tăng 0,3%, nhưng vẫn giảm 1,5% trong tuần. Chỉ số FTSE 100 (UKX) của sàn London tăng 0,4%, nhưng đã giảm 1,8% xét cả tuần.
• Tại thị trường châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (HK:HIS) lại trải qua một phiên giao dịch đầy sóng gió khi giảm 1,8%. Hiện chỉ số này thấp hơn 19% so với mức đỉnh thiết lập vào hồi tháng Hai do vùng lãnh thổ này vẫn đang bị Trung Quốc đàn áp chính trị. Vào hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã thông qua luật bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 11. Trong khi đó, chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite, SHCOMP) giảm 1,1% và chỉ số Nikkei 225 (NIK) của Nhật Bản giảm 1%.
Đăng Khoa - theo MarketWatch